(HNMO) – Sáng 5-6, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Bộ Công đã có buổi tiếp xúc với báo chí để trả lời về một số vấn đề nóng liên quan đến những vụ cháy nổ, vi phạm trong lĩnh vực xăng dầu gần đây.
Theo ông Quyền, trước thông tin những “cây xăng quyền lực” trên quốc lộ 20 nhận môi giới hối lộ cho cảnh sát giao thông Đồng Nai và Lâm Đồng; thông tin về tình trạng pha chế, mua bán xăng dầu trái phép tại Quảng Ninh; và gần đây nhất là tình trạng xảy ra hỏa hoạn tại trạm xăng dầu trên phố Trần Hưng Đạo, TP Hà Nội; ngày 4-6-2013, Bộ Công thương đã có công văn hỏa tốc số 4843/BCT-TTTN yêu cầu các Sở Công thương và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường xăng dầu.
Theo đó, Sở Công thương Hà Nội phải rà soát mạng lưới cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố nhằm phát hiện, loại bỏ các cửa hàng không nằm trong quy hoạch. Sở cũng phải chủ động phối hợp với các cơ quan PCCC thường xuyên tổ chức, kiểm tra phòng chống cháy, nổ tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu.
Cháy kinh hoàng ở trạm xăng Trần Hưng Đạo, Hà Nội. |
Ngoài ra, ông Quyền cũng nói rõ thêm: Quy hoạch xăng dầu hiện do UBND các tỉnh, TP lập. Ở Hà Nội, TP HCM có sự tồn tại của những cửa hàng xăng dầu chưa theo quy hoạch. Thực tế, tại Hà Nội hiện có trên 50 cây xăng chưa phù hợp với quy hoạch; đang trong lộ trình cải tạo, di dời. Tuy nhiên, dù các cây xăng đang trong lộ trình trên cũng phải đáp ứng các quy định về PCCC.
Bên cạnh đó, ông Quyền cũng giải thích, trạm xăng dầu trên phố Trần Hưng Đạo ở Hà Nội là trạm cấp phát xăng dầu nội bộ của quân đội. Năm 2012, Quy hoạch của UBND TP Hà Nội đã đưa trạm xăng dầu này ra khỏi mạng lưới kinh doanh xăng dầu; không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 84 (nghị định này hiện cũng đang dự thảo sửa đổi để trình lên Chính phủ chậm nhất vào 30-6-2013).
Tuy nhiên, một số báo tại cuộc họp cho biết, trước khi cây xăng xảy ra vụ cháy, có những người dân thường vẫn vào mua được xăng. Tỏ ra khá bất ngờ trước không tin trên, ông Quyền khẳng định nếu có tình trạng trên, Bộ Công thương sẽ yêu cầu dừng việc bán sai đối tượng, yêu cầu chủ quan cây xăng là Tổng công ty xăng dầu quân đội, Bộ Quốc phòng chấn chỉnh tình trạng này.
Tiếp đó, liên quan đến những cửa hàng xăng khu vực quốc lộ 20, ông Quyền cho biết: Bộ Công thương yêu cầu Chi cục QLTT phối hợp lực lượng công an xác minh, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật với những cửa hàng có hành vi tiếp tay cho cảnh sát giao thông trên địa bàn, bảo kê thu tiền “mãi lộ” trên tuyến quốc lộ 20.
Mặt khác, với việc báo chí thông tin về tình trạng pha chế, mua bán xăng trái phép ở khu vực Quảng Ninh; tham dự tại cuộc họp, ông Đỗ Thanh Lam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường giãi bày: Từ năm 2012 trở lại đây tình trạng rút ruột, cháy nổ trong lĩnh vực xăng dầu… ít xảy ra, nhờ sự vào cuộc của Ban 127 Trung ương và các đơn vị chức năng ở các địa phương. Vụ rút ruột ở Quảng Ninh là hiện tượng hy hữu, đáng tiếc, cần xử lý mức cao nhất của pháp luật.
Qua đây, cơ quan QLTT cũng rút ra bài học là phương thức thủ đoạn của các đối tượng làm ăn phi pháp rất tinh vi (như núp bóng rửa xe để rút ruột, pha trộn xăng); cần kiểm tra giám sát chất lượng xăng dầu của các đơn vị đầu mối nhập xăng dầu; cần sự vào cuộc theo dõi của các tổ dân phố, cấp chính quyền cơ sở. Ông Lam thừa nhận trong lúc chính quyền bê trễ, cần sự phát hiện của người dân và sự vào cuộc của cơ quan báo chí. Hiện cơ quan Công an Quảng Ninh đã khởi tổ vụ án (phát hiện có 3 người đổ xăng từ can vào thùng phuy để tẩu tán).
Về việc vụ việc trên, ông Quyền cho biết thêm thông tin: Xe bồn bị phát hiện rút ruột chở cho một đại lý của PV Oil; hiện PV Oil đang dừng cấp hàng cho đại lý vi phạm. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng chỉ đạo Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh rà soát toàn bộ các cơ sở kinh doanh xăng dầu, nhất là khu vực gần kho, cảng; quản lý chặt chẽ các cơ sở dễ xảy ra tình trạng rút ruột, pha chế, mua bán xăng dầu trái phép (như nơi rửa xe, điểm thu mua dầu thải); chủ động có phương án kiểm tra, kiểm soát và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Hơn nữa, Bộ Công thương cũng vừa yêu cầu tất cả các Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại địa phương thường xuyên tổ chức công tác đào tạo, tuyên truyền, giáo dục về PCCC; quy trình xuất nhập khẩu kinh doanh xăng dầu; đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên xăng dầu trực tiếp kinh doanh tại hệ thống.
Qua tất cả những sự việc trên có thể thấy, Bộ Công thương và một số cơ quan chức năng đã vào cuộc giải quyết các vụ việc, thắt chặt hơn công tác quản lý nhưng tiếc là chỉ sau khi các vi phạm nghiêm trọng đã xảy ra. Mong tới đây, các cơ quan công quyền cần quản lý hữu hiệu hơn không để các kẻ trục lợi qua mặt hoặc để vi phạm xảy ra rồi mới đi khắc phục hậu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.