(HNM) - Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố dự luật mới, yêu cầu các nhà khai thác internet phải xóa bỏ các nội dung cực đoan trong vòng 1 giờ sau khi nhận được yêu cầu.
Dự luật của EC quy định, các nội dung kích động hoặc cổ xúy hành động cực đoan, tung hô các tổ chức cực đoan hoặc trình chiếu, hướng dẫn cách thức thực hiện các hành vi như vậy phải bị xóa bỏ khỏi trang web của các nhà khai thác internet trong vòng 1 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu từ nhà chức trách cấp quốc gia. EC cũng đòi hỏi các nhà khai thác internet thực hiện nhiều biện pháp chủ động như phát triển các công cụ mới để giám sát nội dung. Bên cạnh đó, các công ty, nhà khai thác phải nộp báo cáo thường niên để chứng minh nỗ lực trong quá trình gỡ bỏ, ngăn chặn các nội dung không phù hợp. Những đơn vị không tuân thủ việc loại bỏ các bài đăng cực đoan có thể phải nộp phạt số tiền lên tới 4% tổng doanh thu toàn cầu.
Dự luật mới cần được các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Nghị viện châu Âu (EP) thông qua để chính thức có hiệu lực. Đề xuất này cũng nêu rõ, các nhà cung cấp có quyền phản đối việc gỡ bỏ nội dung nếu cho rằng yêu cầu đó không phù hợp. Đồng thời, chính phủ các nước thành viên EU cần nâng cao năng lực phân loại, xác định các nội dung trực tuyến cực đoan, từ đó đưa ra các biện pháp xử phạt và thủ tục kháng cáo phù hợp. Các nhà phân tích cho rằng, quy định mới này sẽ ảnh hưởng tới nhiều cái tên lớn như Facebook, YouTube hay Twitter, làm thay đổi cách thức tiếp cận hiện tại của EU là để cho các mạng xã hội tự kiểm soát nội dung của mình.
Thực tế những năm qua, làn sóng tấn công khủng bố tại nhiều quốc gia châu Âu là hồi chuông cảnh tỉnh các nhà chức trách. Trước thất bại trên thực địa, các phần tử khủng bố dần chuyển hướng sang truyền bá tư tưởng cực đoan thông qua các nền tảng mạng xã hội, có thể giúp chúng ẩn danh tính, với tốc độ lan truyền nhanh và sức ảnh hưởng lớn. Trong báo cáo được công bố đầu năm 2018, EU đã ghi nhận các nội dung cực đoan có tác động mạnh nhất trong những giờ đầu xuất hiện trên mạng xã hội. Do đó, những động thái phản ứng kịp thời sẽ đem đến hiệu quả cao hơn. Cao ủy EU về an ninh Julian King khẳng định, cộng đồng này sẽ triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ để bảo đảm an toàn cho các công dân của mình.
Trước sức ép của các nước, nhiều công ty công nghệ đã chú trọng hơn tới việc xóa bỏ những thông tin có tư tưởng bạo lực và cực đoan. Các "ông lớn" như Facebook, Microsoft, Twitter, YouTube, Instagram và Snap đã cùng nhau hợp tác xây dựng cơ sở dữ liệu chung để tạo “dấu vân tay kỹ thuật số” cho các nội dung khủng bố, cực đoan và chia sẻ chúng để người dùng nhận diện và phòng tránh. YouTube từng khẳng định đã loại bỏ hơn 80% video có thông tin khủng bố ngay trước khi các nội dung đó bị người dùng phản hồi tiêu cực. Tuy nhiên các chuyên gia nhận định, vẫn cần có thêm các biện pháp mạnh mẽ hơn, ứng dụng công nghệ phát hiện tự động và xử lý nhanh thông tin có nội dung không phù hợp, nhằm loại bỏ mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự an toàn của các công dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.