Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chân tướng nhóm phiến quân Hồi giáo Maute khét tiếng gây loạn tại Philippines

Theo Báo Tin Tức| 25/05/2017 07:36

Trong mấy tháng trở lại đây, tình hình phía Nam Philippines ngày càng hỗn loạn do sự nổi dậy của nhóm phiến quân Maute có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Vậy chúng là ai và hoạt động như thế nào?

Các tay súng Maute tại thành phố Marawi bị tấn công. Ảnh: Mohammad Manshawi/Rappler.


Theo Rappler, ngay sau cuộc đấu súng khốc liệt giữa lực lượng chính phủ và thành viên của nhóm Maute tại thành phố Marawi vào 23-5, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ban hành thiết quân luật tại hòn đảo Mindanao.

Được hình thành tại tỉnh Lanao del Sur, nhóm khủng bố địa phương này đã tiến hành một vài vụ đánh bom và bắt cóc, cũng như tăng cường hoạt động trong mấy tháng trở lại đây. Nhóm Maute tuyên bố là trung thành với tổ chức khủng bố IS, cũng như dùng cờ đen và huy hiệu biểu tượng của tổ chức khủng bố này trong các hoạt động đánh chiếm.

Vụ đụng độ giữa hai bên trong thành phố Marawi đã được người dân chụp ảnh và đăng tải lên mạng xã hội. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết các thành viên của Maute đã tiến hành chiếm đóng một bệnh viện và nhà tù, phóng hỏa nhiều công trình trong đó có nhà thờ, trường đại học.

Vậy thực sự ai đứng đằng sau nhóm nổi dậy này?

Nhóm Maute, hay còn có tên gọi khác là Daulah Islamiyah, do Abdullah Maute – người nhiều tuổi nhất trong số các anh em nhà Mauter – đứng đầu. Theo Tổ chức Phân tích và Nghiên cứu Chủ nghĩa khủng bố, anh em Maute “là những tên tội phạm nhỏ bé chuyển sang hoạt động phiến quân khi chúng tạo ra tổ chức Khalifa Islamiah Mindanao năm 2012”.

Theo nguồn tin quân sự, cha của Abdullah là Cayamora Maute là một quan chức cấp cao của Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) đang tham gia các cuộc đối thoại hòa bình với chính phủ Philippines.

Tuy nhiên những người con của Cayamora lại chỉ trích ban lãnh đạo của MILF và tuyên bố trung thành với IS.

Nhóm Maute liên hệ như thế nào với IS?

Trong một báo cáo tháng 10-2016, một viện chiến lược ở Jakarta đã cảnh báo về “hoạt động của các đối tượng cực đoan xuyên biên giới” sau khi theo dõi mối liên hệ trực tiếp giữa 4 tổ chức khủng bố ở Philippines – một trong số chúng là Maute – với các tổ chức khủng bố khác ủng hộ IS ở Indonesia và Malaysia.

Một trong các thủ lĩnh của nhóm Maute là Omar Maute đã cưới một phụ nữ Indonesia khi hắn ta còn học ở Ai Cập. Gia đình của Omar Maute gắn bó với thành phố Bekasi, thông thạo tiếng Indonesia và kiến thức về mạng xã hội có thể đã tạo cho hắn cơ hội tiếp xúc với mạng lưới quốc tế rộng hơn.

Trong tháng 11-2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khẳng định nhóm khủng bố Maute có mối liên hệ với IS, với lời giải thích cộng đồng tình báo đã khuyến cáo ông rằng IS “có mối liên hệ rất mật thiết với một tổ chức ở Philippines có tên gọi là Maute”.

Nhóm Maute đã gây ra những vụ tấn công nào?

Kể từ năm ngoái, tổ chức khủng bố này mở rộng các hoạt động, triển khai các cuộc tấn công tại tỉnh Lanao del Sur. Từ tháng 2 đến tháng 3-2016, chúng thành lập 3 thành trì tại tỉnh Lanao del Sur, khiến gần 30.000 người mất nhà cửa. Trong thời gian đó, nhóm này đã tấn công một doanh trại quân đội và chặt đầu một binh sĩ. Chỉ sau 10 ngày, quân đội chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát.

Tháng 4-2016, xuất hiện các bức hình đăng trên Facebook cho thấy các thành viên của tổ chức chặt đầu 2-6 công nhân bị bắt cóc tại Butig (Lanao del Sur).

Hai công nhân mặc bộ đồ áo liền quần màu da cam giống với các nạn nhân trong các vụ hành quyết công khai của IS, đã bị giết hại, với tội danh nghi ngờ là người đưa tin cho quân đội.

Tháng 8-2016, 50 người đã thả tự do cho 8 thành viên Maute và 20 tù nhân khác khỏi một nhà tù ở Lanao del Sur. IS tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ đột kích nhà tù trên.

Tháng 10-2016, 3 thành viên của Maute bị bắt giữ do buộc tội triển khai vụ đánh bom tại khu chợ đêm thành phố Davao – quê hương của Tổng thống Duterte - trong tháng 9.

Tháng 11-2016, thành viên của nhóm Maute chiếm đóng tòa thị chính Butig và cắm cờ đen IS.

Maute đã xuất hiện ở Vùng đô thị Manila chưa?

Tháng 11-2016, một thiết bị nổ đã được phát hiện ở gần Đại sứ quán Mỹ tại Manila, sau đó hai nghi phạm liên quan đến nhóm Maute đã bị bắt giữ.

Theo báo cáo của Interpol, vụ nổ tại vùng đô thị Manila có nhiệm vụ làm phân tán sự chú ý của chính quyền và làm giảm áp lực của các thành viên đang bị quân đội chính phủ bao vây ở Butig, Lanao del Sur.

Tháng 3 vừa qua, Cảnh sát Quốc gia Philippines cho biết nhóm này đã xuất hiện ở Manila, song Lực lượng Vũ trang Quốc gia sau đó đã bác bỏ thông tin, cho rằng họ chưa thấy dấu hiệu xuất hiện của các thành viên nhóm này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chân tướng nhóm phiến quân Hồi giáo Maute khét tiếng gây loạn tại Philippines

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.