(HNM) - Trong một động thái được cho là trả đũa Nhật Bản, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc vừa cho biết đã hoàn tất quy trình loại Tokyo ra ngoài "Danh sách Trắng" các đối tác thương mại tin cậy của Seoul. Điều này sẽ làm trầm trọng hơn căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia láng giềng đã kéo dài suốt gần 3 tháng qua.
Nhiều năm qua, Nhật Bản vốn nằm trong nhóm "Danh sách Trắng" gồm 29 nước đối tác được ưu đãi về xuất khẩu của Hàn Quốc, như giảm bớt thủ tục hải quan, thời gian kiểm duyệt thông quan hàng hóa.
Nếu quyết định mới nhất được thực thi vào cuối tháng này, Chính phủ Hàn Quốc sẽ xếp Nhật Bản vào nhóm có chế độ kiểm soát xuất khẩu với các quy định thắt chặt hơn, ảnh hưởng đến 1.735 sản phẩm chiến lược của Nhật Bản xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Động thái trên của Hàn Quốc được cho là đòn đáp trả quyết định của Nhật Bản loại Hàn Quốc khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy chính thức có hiệu lực từ ngày 28-8-2019.
Trước đó, Tokyo cũng siết chặt các quy định xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao được sử dụng trong sản xuất chip điện tử và màn hình sang thị trường Hàn Quốc.
Theo con số thống kê mới nhất, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản chiếm 9,6% tổng sản phẩm nhập khẩu của Hàn Quốc. Ngược lại, số lượng hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc chỉ chiếm 4,1% tổng sản phẩm nhập khẩu của Nhật Bản.
Mặc dù tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc vào thị trường Nhật Bản thấp hơn, song nếu Seoul siết chặt quy chế xuất khẩu đối với những mặt hàng có tỷ trọng lớn, điều này cũng có thể gây ra "cú sốc" đối với ngành công nghiệp của xứ Mặt trời mọc.
Tranh cãi thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc không chỉ tác động tiêu cực đến các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), mà còn có thể cản trở các cuộc đàm phán Hiệp định Tự do thương mại (FTA) giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ông Cho Kyung-yup, một nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc (KERI) cho biết, mâu thuẫn thương mại Hàn Quốc - Nhật Bản khác với các căng thẳng thương mại thông thường, vốn chỉ liên quan về thuế quan.
Biện pháp của Tokyo mang tính chất kiểm soát xuất khẩu nguyên liệu trung gian thiết yếu đối với ngành công nghiệp chủ lực của đối phương, nên mâu thuẫn có thể diễn biến nghiêm trọng theo hướng phá hủy mạng lưới cung cấp, dẫn tới làm thay đổi cấu trúc thương mại của Hàn Quốc.
Điều này có thể kéo nền kinh tế Hàn Quốc đi xuống, nhất là trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng ì ạch do tác động từ căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn khác. Nếu các biện pháp siết chặt xuất khẩu của Nhật Bản khiến doanh nghiệp Hàn Quốc thiếu 30% nguồn nguyên liệu sản xuất chip bán dẫn, thì tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của “xứ Kim chi” sẽ giảm 2,2%, trong khi GDP của Nhật Bản giảm 0,04%.
Trong trường hợp Seoul đáp trả tương tự bằng việc siết chặt quy chế xuất khẩu với Tokyo, thì GDP của cả Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ giảm lần lượt 3,1% và 1,8%. Nếu tình hình diễn biến xấu hơn nữa, dẫn đến việc doanh nghiệp Hàn Quốc thiếu tới 45% nguyên liệu sản xuất chip bán dẫn, thì GDP của Hàn Quốc sẽ giảm 4,2%...
Không chỉ tác động tới nền kinh tế của Hàn Quốc và Nhật Bản, giới chuyên gia cũng cảnh báo về những hệ lụy mà mâu thuẫn thương mại giữa hai nền kinh tế lớn của châu Á có thể gây ra cho kinh tế toàn cầu. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở khi các quốc gia hiện nay có quan hệ lợi ích đan xen chặt chẽ.
Hơn thế nữa, những bế tắc trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể tạo ra những cộng hưởng tiêu cực đối với các thị trường tài chính trên thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.