Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cẩn trọng để tránh rủi ro

ĐẶNG LOAN| 12/05/2017 07:10

(HNM) - Tình trạng đã đóng đủ tiền nhưng vẫn không được bàn giao nhà đúng hạn khiến nhiều người lâm vào cảnh khốn khó không phải là chuyện hiếm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh...

Cư dân dự án Tân Bình Apartment căng băng rôn đòi chủ đầu tư bàn giao nhà.



Tiền nộp đủ, vẫn không thấy nhà!


Anh Hải (ở quận Tân Bình) mua căn hộ 60m2 của dự án Tân Bình Apartment (quận Tân Bình) của Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Tân Bình vào tháng 3-2016. Tại thời điểm đó, dự án đã xây thô được 14 - 15 tầng và chủ đầu tư hứa sau 3 tháng (ngày 30-6-2016) sẽ bàn giao nhà. Tưởng “chắc”, ai dè đã gần 1 năm trôi qua đến nay vẫn chưa thấy nhà dù anh Hải đã đóng 95% tiền mua căn hộ. Nguyên nhân chậm trễ là do trong quá trình thi công dự án, chủ đầu tư đã xây tăng hơn 2.000m2 sàn xây dựng và tăng 28 căn hộ so với quyết định mà Sở Xây dựng đã phê duyệt. Vi phạm này đã bị UBND quận Tân Bình và Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt vi phạm hành chính và buộc phải khắc phục vi phạm mới cho xây dựng tiếp. Tuy nhiên, vì chưa tháo dỡ phần công trình vi phạm nên chủ đầu tư chưa được thi công tiếp.

Bị người mua nhà khiếu nại, ngày 29-10-2016 chủ đầu tư đã hứa trả cho mỗi hộ 5 triệu đồng/tháng tiền thuê nhà trong khi chờ đợi bàn giao, bắt đầu từ tháng 11-2016. Thế nhưng đến nay anh Hải cũng chưa nhận được số tiền này.

Trường hợp bàn giao nhà trễ như trên không phải là hiếm trên địa bàn thành phố. Nhiều người mua căn hộ hình thành trong tương lai thay vì có căn nhà mới để an cư lạc nghiệp thì phải ôm… hồ sơ khiếu kiện. Một số dự án điển hình mà người mua nhà mỏi mòn chờ đợi như PetroVietnam Landmark của Công ty Bất động sản xây lắp dầu khí Việt Nam (PVCLand). Tại dự án này, khách hàng mua nhà từ năm 2009, theo hợp đồng thì đến cuối năm 2011 sẽ giao nhà nhưng đến nay vẫn chưa có nhà. Tương tự, dự án Khu dân cư Lilama 584 Building Trịnh Đình Trọng (quận Tân Phú) cũng mở bán từ năm 2009 và hứa giao nhà vào năm 2011 nhưng đến nay nhà vẫn nằm trên giấy!

Bộ Tài chính có tờ trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành đình chỉ thi công và chuyển Thanh tra Chính phủ thanh tra 60 dự án bất động sản có dấu hiệu sử dụng đất trái quy định, trong đó, riêng TP Hồ Chí Minh có 11 dự án.



Người mua cần tự bảo vệ mình

Tại hội thảo “Nhà ở hình thành trong tương lai, làm gì để hạn chế rủi ro” vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Gia Hòa, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố cho biết, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, đã khắc phục được một số tồn tại của Luật Bất động sản như trước đây và có chế tài nhằm mục đích hạn chế rủi ro cho người mua như: Bắt buộc dự án đưa vào kinh doanh phải có sổ đỏ, giấy phép xây dựng, giấy nghiệm thu hoàn thành xây dựng phần móng tòa nhà; phải được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn trước khi mở bán. Chặt chẽ hơn, để bảo đảm quyền lợi cho người mua nhà trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện được nhiệm vụ của mình, Luật cũng quy định chủ dự án trước khi bán, cho thuê… phải được ngân hàng có năng lực bảo lãnh dự án. Trong trường hợp chủ đầu tư không giao được nhà theo đúng tiến độ hoặc không thực hiện theo hợp đồng đã cam kết, thì ngân hàng bảo lãnh trả lại tiền mà khách hàng đã nộp.

Theo ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Him Lam (Him Lam Land), để tránh rủi ro khi mua nhà ở hình thành trong tương lai, người mua cần kiểm tra đủ các điều kiện của dự án khi được phép bán, bảo lãnh dự án của ngân hàng. Về chất lượng dự án, khách hàng nên xem trước đó chủ đầu tư đã làm những dự án nào, chất lượng ra sao… “Chất lượng, uy tín của chủ đầu tư là phần trực quan, không khó để kiểm tra, vì vậy cần chú ý tìm hiểu để giảm thiểu rủi ro khi mua nhà”, ông Phúc nói.

Theo các chuyên gia, về mặt luật thì hiện Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở đã đủ hành lang pháp lý để khách hàng tham chiếu, đánh giá doanh nghiệp và xem xét sản phẩm có đủ điều kiện bán hàng hay chưa. Bên cạnh sự giám sát của các cơ quan chức năng, sự kiểm tra của người tiêu dùng vẫn là quan trọng nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng để tránh rủi ro

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.