Hiện nhiều tỉnh, thành đã và đang đầu tư nhiều dự án xây dựng nhà ở cho công nhân lao động. Tuy nhiên rất ít người lao động thu nhập thấp mua được do giá bán cao và không đáp ứng được những quy định về vay vốn, về điều kiện được mua.
Trả lời kiến nghị của cử tri đề nghị nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở để tháo gỡ những khó khăn, bất cập nêu trên, Bộ Xây dựng cho biết: Hiện nay, Chính phủ đang tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội sau khi lấy ý kiến lần thứ 1 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV.
Trong đó, để giảm bớt thủ tục, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong việc xét duyệt đối tượng, điều kiện mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, tại dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, Bộ Xây dựng đã đề xuất sửa đổi một số nội dung “thông thoáng” hơn.
Cụ thể, về điều kiện mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân: Bộ Xây dựng đề xuất, đối với trường hợp công nhân, người lao động thuê nhà lưu trú công nhân thì chỉ cần hợp đồng lao động và xác nhận đang làm việc của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoặc doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.
Trường hợp thuê nhà ở xã hội thì chỉ cần đáp ứng là đối tượng theo quy định.
Trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ quy định đáp ứng 2 điều kiện là có thu nhập thấp, có khó khăn về nhà ở và bỏ điều kiện xác nhận cư trú.
Về vay vốn, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tiếp tục kế thừa quy định của Luật Nhà ở năm 2014 theo hướng các đối tượng đủ điều kiện mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội (có hợp đồng mua - bán nhà ở xã hội với chủ đầu tư) thì thuộc nhóm đối tượng được vay vốn ưu đãi. Điều kiện được vay phải đáp ứng quy định theo pháp luật về tín dụng.
Về kết quả công tác xây dựng nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, đến nay cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 7.950.000 m2. Ngoài ra, đang tiếp tục triển khai 294 dự án (bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư), với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn, với tổng diện tích khoảng 14.425.000 m2.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả quan trọng nêu trên, nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chính là do thiếu quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp; nguồn vốn vay ưu đãi còn nhiều hạn chế, điều kiện mua nhà ở xã hội còn vướng mắc...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.