(HNMO) - Ngày 4-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Tham dự phiên họp có các Phó Chủ tịch Quốc hội: Uông Chu Lưu, Phùng Quốc Hiển, Đỗ Bá Tỵ; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đại diện các bộ, ngành liên quan. Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương, 120 điều. Trong đó, nội dung về quản lý sách giáo khoa được nhiều đại biểu quan tâm. Nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ việc quy định “mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa” và “cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập, có tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện thực tiễn”.
Qua khảo sát tình hình thực tiễn tại nhiều địa phương, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, trước mắt chỉ nên có một chương trình và một bộ sách giáo khoa thống nhất, áp dụng chung trong cả nước. Cùng một địa phương mà mỗi trường giảng dạy một sách giáo khoa khác nhau là điều bất hợp lý, khó bảo đảm chất lượng.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi) lo ngại, quy định như dự luật sẽ dẫn đến hệ lụy mỗi trường, mỗi nhiệm kỳ lãnh đạo, niên học lại lựa chọn sách giáo khoa khác nhau, gây lãng phí, xáo trộn trong xã hội. Thực tế đã xảy ra đối với một số môn học, đầu năm học, cha mẹ học sinh mua sách giáo khoa cho con em mình, nhưng khi vào học, giáo viên lại yêu cầu mua sách mới. Có trường hợp phải đợi một thời gian mới mua được sách, ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh. Do vậy, việc áp dụng một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa cần có lộ trình thực hiện, khi nào đất nước bảo đảm các điều kiện kinh tế - xã hội thì áp dụng…
Về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), trong quá trình soạn thảo, tiếp thu ý kiến, một trong những vấn đề còn nhiều quan điểm khác nhau là quyền, nghĩa vụ của phạm nhân. Có ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung một số quyền của phạm nhân, như: Quyền kết hôn; quyền hiến xác, hiến mô và bộ phận cơ thể người; quyền được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong thời gian chấp hành án; quyền được thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện theo quy định của pháp luật…
Tuy nhiên, theo cơ quan soạn thảo, phạm nhân là người bị kết án phạt tù, bị cách ly khỏi xã hội trong một thời gian nhất định theo bản án. Họ có nghĩa vụ lao động, học tập, cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội. Vì vậy, phạm nhân không thể được hưởng tất cả các quyền con người, quyền công dân giống như những công dân khác đang ở ngoài xã hội.
Trên cơ sở đó, dự án Luật đã được rà soát, bổ sung và quy định 10 nhóm quyền của phạm nhân, điển hình như: Quyền được thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện theo quy định của pháp luật; quyền được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; quyền được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật…
Tán thành với đánh giá của cơ quan soạn thảo và báo cáo thẩm tra, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đề xuất trên có tính khả thi, phù hợp với Hiến pháp và giải trình thuyết phục.
Bên lề hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 4-4, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trả lời báo chí một số nội dung xung quanh các vụ việc bạo lực học đường, như vụ học sinh lớp 9 bị bạn cùng lớp đánh hội đồng ở Hưng Yên; vụ sàm sỡ bé gái trong thang máy. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, để ngăn chặn tình trạng nêu trên thì việc giáo dục, tuyên truyền trên lớp đối với học sinh đã được thực hiện nhiều năm qua và đã có quy định. Tuy nhiên, việc ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường và hướng dẫn trẻ em phòng tránh bị xâm hại; kỹ năng phòng ngừa ở nơi công cộng như thang máy, nhà vệ sinh công cộng... cần phải được nhà trường đẩy mạnh hơn nữa. "Việc này cũng cần sự đồng hành của cả xã hội để giáo dục, tuyên truyền một cách nhẹ nhàng, không rầm rộ. Giáo dục đạo đức, lối sống, ứng xử tốt phải dần dần, từng bước", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.