(HNM) - Dự thảo Luật bổ sung, sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt công bố hồi đầu năm 2014 cho đến nay đã thu hút sự quan tâm của dư luận cũng như ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, hiệp hội.
Trong một hội thảo mới đây của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội tại Quảng Ninh, Ban soạn thảo dự luật cùng các chuyên gia đã có cơ hội một lần nữa ngồi lại để thống nhất về một bản dự thảo hoàn thiện. Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong dư luận là việc lần đầu tiên mặt hàng nước ngọt có ga được đưa vào danh mục chịu thuế TTĐB.
Nước ngọt có ga bán tại siêu thị. |
Nhiều thu hoạch cho Ban soạn thảo
Theo bà Võ Lan Phương, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Vriens & Partners, thành viên chương trình cải thiện chất lượng chính sách, một dự thảo luật cần thực hiện các bước đánh giá tác động tiêu cực, tích cực ở tất cả các góc độ có liên quan với doanh nghiệp và người dân, với ngân sách nhà nước, với hệ thống pháp luật, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Bà Phương lưu ý, trên thực tế, các số liệu kinh tế, tiêu dùng và y khoa đang phản biện lập luận của dự luật rất mạnh mẽ. Vì vậy, Ban soạn thảo cần đưa ra số liệu khảo sát chi tiết hơn để chứng minh một cách thuyết phục và khoa học lý do áp thuế nước ngọt có ga.
Đại diện Cục Vệ sinh ATTP, ông Nguyễn Hùng Long diễn giải quy định của Ủy ban Codex cho thấy, việc sử dụng phụ gia đúng đối tượng và liều lượng theo tiêu chuẩn của Ủy ban Codex bảo đảm an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng, bởi các phụ gia thực phẩm mà Ủy ban Codex cho phép sử dụng (gồm cả chất bảo quản, chất ngọt tổng hợp, phẩm màu...) đã được tiến hành phân tích nguy cơ bởi Ủy ban chuyên gia hỗn hợp FAO/WHO về phụ gia thực phẩm (JECFA). Ngoài ra, một kết quả nghiên cứu được công bố trước đó được thực hiện bởi Viện Chính sách và chiến lược y tế (Bộ Y tế) cho thấy CO2 trong nước ngọt có ga không gây tác động sức khỏe tiêu cực đến men răng, xương, hay thực quản.
Phản ánh quan điểm "đánh thuế để định hướng tiêu dùng", luật sư Vũ Xuân Tiền, Ủy viên BCH Hội Luật gia Hà Nội đã cho rằng, Luật Thuế TTĐB cần phải phân tích được mặt được và tác hại của sản phẩm trong điều kiện tiêu dùng bình thường để thấy áp thuế là hợp lý. Bởi "bất kỳ sản phẩm nào nếu sử dụng quá mức đều có hại và luật thuế không có chức năng điều tiết mức sử dụng hàng hóa dịch vụ của con người". Được biết, sau một thời gian tiếp thu ý kiến xây dựng, Ban soạn thảo dự luật đã bổ sung phương án "không áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga không cồn", bên cạnh phương án cũ; trước khi trình Chính phủ và Quốc hội thông qua.
Cần sát thực tiễn hơn
Là một trong những người sẽ bỏ phiếu thông qua dự thảo này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo giúp dự luật ngày một hoàn thiện; tuy nhiên nhấn mạnh rằng một số điểm trong đó có áp dụng 10% thuế TTĐB với nước ngọt có ga thì còn sơ sài, không thuyết phục và xa rời thực tiễn; cần phải bổ sung, hoàn thiện sao cho khi thông qua cử tri không cho là người làm chính sách không hiểu gì về đời sống nhân dân. Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho rằng, nếu lo lắng đến sức khỏe người dân thì cần phải dùng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân chứ không chỉ trông đợi vào tăng thuế. Dự thảo mới chỉ trình bày được số tiền thu thuế tăng thêm là bao nhiêu, chứ chưa nhắc tới khía cạnh sản xuất của doanh nghiệp, việc làm của người lao động, từ đó dẫn đến thất thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đứng trên quan điểm thương mại quốc tế, đại diện Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) đều nêu ra nguy cơ luật thuế mới có thể khiến Việt Nam đứng trước cáo buộc phân biệt đối xử trong thương mại từ các đối tác nước ngoài, các thể chế kinh tế quốc tế, trong đó có WTO. Đại diện chủ trì hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Đinh Trịnh Hải cho biết các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại biểu là rất quý để giúp Ủy ban thực hiện quá trình thẩm tra dự luật đạt được kết quả chính xác, phù hợp với thực tiễn nền kinh tế cũng như bảo đảm tính công bằng cho mọi đối tượng chịu thuế; bảo đảm luật mới khi được ban hành sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện tại, đồng thời bảo đảm tính công bằng cho mọi doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.