Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần lưu ý nhiệm vụ phát triển giáo dục thể chất

Mai Hoa| 02/08/2015 07:09

(HNM) - Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội đã nêu rõ nhiệm vụ duy trì vị thế dẫn đầu cả nước của thể thao Thủ đô.


Báo Hànộimới ghi lại ý kiến của PGS.TS Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn các môn thể thao Hà Nội trong việc thực hiện nhiệm vụ này.

Trước hết, tôi rất đồng tình với chủ đề được nêu ở Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ TP Hà Nội khóa XV là "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững".

Là người công tác và hoạt động lâu năm trong lĩnh vực thể dục, thể thao (TDTT), tôi có một số ý kiến liên quan đến lĩnh vực này. Cụ thể: Trong phần thứ nhất: "Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XV (2010-2015) và nhìn lại 30 năm đổi mới ở Thủ đô", ở nội dung những kết quả nổi bật có nêu: "TDTT Thủ đô tiếp tục phát triển, khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, là đơn vị chủ lực của thể thao thành tích cao Việt Nam tại các đấu trường khu vực và quốc tế. Cơ sở vật chất đầu tư cho hoạt động TDTT được tăng cường.

Phong trào TDTT quần chúng phát triển mạnh. Việc giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ ngày càng được quan tâm. Công tác xã hội hóa lĩnh vực TDTT được thực hiện có hiệu quả". Theo tôi, những đánh giá trên là chính xác. Tuy nhiên, nội dung "Việc giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ ngày càng được quan tâm", tôi nghĩ nên đưa vào phần phương hướng sẽ hợp lý hơn. Bởi trên thực tế, giáo dục thể chất là vấn đề chúng ta còn có nhiều hạn chế, khi trẻ em Hà Nội còn thiếu chỗ chơi, chương trình học thể dục trong nhà trường chưa phong phú. Chúng ta đạt được rất nhiều kết quả đáng ghi nhận trong lĩnh vực thể thao cả về phong trào và thể thao thành tích cao, nhưng riêng công tác giáo dục thể chất vẫn còn nhiều điều phải bàn.

Trong phần thứ hai: "Phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu và những vấn đề trọng tâm phát triển Thủ đô 5 năm 2015-2020", tôi thấy dự thảo đã dành riêng mục thứ 3 là "Xây dựng nền TDTT tiên tiến, nâng cao thể chất người Hà Nội". Trong đầu mục này, phần nội hàm thứ nhất có ghi: "Phấn đấu xây dựng, phát huy vị trí dẫn đầu cả nước của thể thao Hà Nội và cùng cả nước, đưa nền thể thao Việt Nam vào nhóm nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Kết hợp hài hòa giữa TDTT quần chúng và thể thao chuyên nghiệp, đặc biệt là thể thao thành tích cao theo hướng tiên tiến, hiện đại, hội nhập quốc tế". Về vấn đề này, tôi xin góp ý cụ thể như sau:

Kể từ SEA Games 22 (năm 2003) đến nay, Hà Nội luôn đóng vai trò là địa phương chủ lực, góp sức cùng Thể thao Việt Nam duy trì vị thế trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, hướng phấn đấu trong 5 năm tới không phải là "đưa nền Thể thao Việt Nam vào nhóm đứng đầu khu vực Đông Nam Á", mà phải là "duy trì vị thế trong nhóm quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á" - như vậy sẽ chính xác, hợp lý hơn. Thậm chí, với thế và lực hiện tại, theo tôi, cần đề ra hướng phấn đấu mới là: "Thể thao Hà Nội phát huy vai trò chủ lực, cùng Thể thao Việt Nam phấn đấu vào tốp 10 châu lục, từng bước chinh phục đấu trường ASIAD và Olympic".

Về nội dung "kết hợp hài hòa giữa TDTT quần chúng và thể thao chuyên nghiệp, đặc biệt là thể thao thành tích cao", tôi nghĩ nên sửa thành "đầu tư, phát triển hài hòa cả TDTT quần chúng và thể thao thành tích cao, từng bước chuyên nghiệp hóa ở một số môn thể thao có đủ điều kiện và tiềm năng". Bởi thực tế nền thể thao của chúng ta còn khoảng cách rất xa mới có thể thao chuyên nghiệp thực sự.

Nội dung về thể thao tiếp theo được đề cập trong Dự thảo có câu: "Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ dân số tập luyện TDTT thường xuyên đạt 41-42%; tỷ lệ gia đình thể thao đạt 30-35%; có trên 3.500 câu lạc bộ TDTT"... Cá nhân tôi cho rằng, cần loại bỏ câu này, bởi đây là con số không có độ chính xác cao. Tôi nghĩ, nên nêu định hướng chung "phấn đấu tăng tỷ lệ dân số tập luyện TDTT thường xuyên, tỷ lệ gia đình thể thao ngày một cao hơn" là đủ.

Dự thảo cũng nêu định hướng: "Tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và phát triển mạnh thể thao thành tích cao, trong đó ưu tiên phát triển những môn thế mạnh của Hà Nội. Phát triển đội ngũ vận động viên bảo đảm đồng bộ, từ phát hiện năng khiếu, đến đào tạo vận động viên năng khiếu nghiệp dư và vận động viên năng khiếu tập trung...".

Các nội dung này đều rất chính xác, nhưng thiếu điểm nhấn đặc biệt. Tôi nghĩ cần bổ sung 3 ý: Thứ nhất, trong thể thao thành tích cao, Hà Nội phải tạo được sự đột phá trong việc đầu tư cho các hạt nhân đặc biệt. Chúng ta có lực lượng hùng hậu, nhưng rất hiếm những đỉnh chóp như Ánh Viên (bơi lội), Nguyên Thị Huyền (điền kinh). Thứ hai, trong khâu tuyển chọn, tôi nghĩ phải nhấn mạnh ý "mời chuyên gia nước ngoài chất lượng cao trực tiếp tham gia quá trình tuyển chọn VĐV". Thứ ba, Hà Nội cần tổ chức thật nhiều giải đấu tại Thủ đô, vừa đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân, vừa bảo đảm điều kiện cọ xát đỉnh cao cho VĐV Hà Nội.

Một nội dung nữa được nêu trong Dự thảo là: "Đầu tư nâng cấp, xây mới một số khu liên hợp, trung tâm thể thao, cơ sở TDTT trọng điểm...". Tôi nghĩ cần bỏ từ "xây mới", vì chủ trương của Chính phủ là hạn chế xây mới các công trình thể thao trong 5 năm tới. Mặt khác, cần bổ sung một ý là Hà Nội phải "tập trung nâng cấp, sửa chữa các công trình thể thao hiện có, sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện để đăng cai SEA Games 31-2021".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần lưu ý nhiệm vụ phát triển giáo dục thể chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.