Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần lộ trình sử dụng giấy tờ hộ tịch điện tử

Hà Phong - Lý Thị Mai| 06/03/2022 06:19

(HNM) - Theo tinh thần Thông tư số 01/2022/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến, thay vì sử dụng giấy khai sinh, chứng nhận kết hôn bản giấy để làm thủ tục hành chính như trước đây, từ ngày 18-2-2022, người dân có thể dùng bản điện tử. Chủ trương này được dư luận đánh giá cao vì đây là hai trong số các giấy tờ người dân sử dụng nhiều nhất. Tuy nhiên, việc thực hiện cần có lộ trình để triển khai đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc.

Luật sư của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội tư vấn pháp luật về hộ tịch cho người dân. Ảnh: Bách Sen

Bản điện tử giá trị ngang bản giấy

Bản điện tử của giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn trước đây đã được quy định tại Nghị định số 87/2020/NĐ-CP. Khi đó, Chính phủ mới chỉ quy định biểu mẫu điện tử giấy tờ hộ tịch do Bộ Tư pháp ban hành. Trên cơ sở đó, biểu mẫu điện tử của giấy tờ hộ tịch đã chính thức được Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Thông tư số 01/2022/TT-BTP ngày 4-1-2022, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28-7-2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến (Thông tư số 01/2022/TT-BTP). Cơ quan này quy định giá trị pháp lý của bản điện tử giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn có giá trị sử dụng như bản giấy trong các giao dịch, thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến và từ ngày 18-2-2022, người dân có thể sử dụng bản điện tử.

Điều đặc biệt của bản điện tử giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn là có mã QR, nghĩa là khi xuất trình giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn bản điện tử, cán bộ làm thủ tục hành chính sẽ quét mã QR trên đó và biết được các thông tin chi tiết của các loại giấy tờ này trong cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và không bắt buộc phải xuất trình bản giấy để đối chiếu, vừa tiết kiệm được thời gian đi lại, chi phí in ấn và thủ tục chứng thực.

Theo hướng dẫn, người dân truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh để đăng ký tài khoản và xác thực người dùng theo hướng dẫn, có thể nộp lệ phí bằng hình thức thanh toán trực tuyến và được nhận bản điện tử của giấy tờ hộ tịch qua email, kho quản lý dữ liệu điện tử hoặc thiết bị số, thông qua phương pháp truyền số liệu phù hợp, bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin.

Một số thủ tục hành chính như đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử... sẽ được liên thông thực hiện trên môi trường điện tử với sự chủ động kết nối, chia sẻ dữ liệu điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cần thêm thời gian

Sử dụng bản điện tử giấy tờ hộ tịch là xu hướng tất yếu trong bối cảnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Song, thực tế cho thấy, việc tiếp nhận, giải quyết phụ thuộc vào khâu số hóa, mức độ triển khai dịch vụ công trực tuyến tại địa phương.

Anh Nguyễn Cao Cường (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết, mặc dù Thông tư số 01/2022/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 18-2-2022 nhưng thời điểm này người yêu cầu chưa được cung cấp bản sao điện tử.

Bộ Tư pháp cho biết, để thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến, cấp và sử dụng bản điện tử của giấy tờ hộ tịch hiệu quả, điều kiện quan trọng là Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được xây dựng hoàn thiện, cập nhật dữ liệu đầy đủ, triển khai áp dụng thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc; đồng thời có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác; cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực tại các cơ quan đăng ký hộ tịch địa phương được bảo đảm.

Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) Nhâm Ngọc Hiển thông tin, hiện tại, mới có 27/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai kết nối liên thông dữ liệu điện tử giữa Hệ thống thông tin một cửa điện tử/Cổng dịch vụ công cấp tỉnh với hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp.

Cũng theo ông Nhâm Ngọc Hiển, do hiện nay các địa phương chưa thực hiện xong việc số hóa sổ hộ tịch, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được xây dựng, vận hành thống nhất, chưa được kết nối, khai thác dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… nên hiện tại chưa thể triển khai ngay việc cấp và sử dụng bản điện tử giấy tờ hộ tịch.

Bộ Tư pháp đã yêu cầu Sở Tư pháp các địa phương chịu trách nhiệm trong việc xây dựng kế hoạch số hóa đối với các sổ hộ tịch đã được đăng ký, lưu trữ tại địa phương, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện. 

Thông tư số 01/2022/TT-BTP cũng có quy định thực hiện trong giai đoạn chuyển tiếp tại Khoản 3, Điều 14. Trên cơ sở pháp lý này, trong thời gian chưa thực hiện xong việc số hóa sổ hộ tịch, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử chưa vận hành thống nhất, chưa kết nối, khai thác được dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, việc đăng ký hộ tịch trực tiếp (tại cơ quan đăng ký hộ tịch) hay đăng ký trực tuyến là quyền lựa chọn của người dân...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần lộ trình sử dụng giấy tờ hộ tịch điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.