(HNM) - Sau khi được Chính phủ gia hạn, ngày 31-12-2020 là thời điểm dự án thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí đường bộ phải hoàn thành.
Có nhiều nguyên nhân khiến dự án thu phí không dừng chậm tiến độ, nhưng hơn cả có lẽ là do các chủ thể liên quan chưa thấy rõ lợi ích. Người sử dụng phương tiện cá nhân giữ thói quen dùng tiền mặt, nên không có nhu cầu dán thẻ E-tag (thẻ thu phí tự động không dừng). Trong khi đó, phương tiện đã dán thẻ vẫn phải chờ khi qua trạm thu phí vì nhiều trạm chưa có làn riêng thu phí không dừng. Chưa kể, việc kết nối thanh toán giữa ngân hàng (liên quan đến tài khoản thanh toán của chủ phương tiện) với hệ thống thu phí chưa liên thông, vẫn còn tình trạng xe đã dán thẻ mà không thanh toán được. Hiện mới có hơn 830.000/3.500.000 phương tiện dán thẻ E-tag và khoảng 30% phương tiện đã dán thẻ sử dụng dịch vụ thu phí không dừng là minh chứng cho điều đó.
Với khách hàng là doanh nghiệp vận tải, có đặc thù nhiều phương tiện lưu thông thường xuyên, việc chỉ có hình thức thanh toán trả trước cho dịch vụ thu phí không dừng cũng là một bất tiện trong quản lý tài chính, hạch toán chi phí đầu vào của doanh nghiệp.
Đối với các nhà đầu tư đang vận hành trạm thu phí, ngoài việc trước đây khi ký hợp đồng BOT chưa có điều khoản đầu tư thu phí không dừng nên Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải đàm phán ký thêm phụ lục; thì doanh thu trạm BOT sụt giảm so với phương án tài chính cũng là trở ngại làm cho tiến độ triển khai hệ thống thu phí không dừng không đạt. Thậm chí đã có lúc, Bộ Giao thông - Vận tải phải ra “tối hậu thư” trạm BOT nào không triển khai làn thu phí không dừng sẽ không được phép thu phí.
Đến nay, 40/44 trạm thu phí không dừng giai đoạn I đã hoàn thành. Giai đoạn II, với 33 trạm, đã được Bộ Giao thông - Vận tải đấu thầu rộng rãi chọn liên danh nhà đầu tư do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội thực hiện. Thời hạn hoàn thành đã được ấn định. Những vướng mắc về cơ chế, chính sách, lộ trình, giải pháp triển khai cơ bản đã được giải quyết. Trong đó, đáng chú ý là Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất trong trường hợp việc hoàn trả chi phí đầu tư thu phí không dừng không bảo đảm khả thi theo phương án tài chính, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định kéo dài thời gian thu phí tại một số trạm.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng vẫn là làm sao để các chủ thể liên quan thấy được lợi ích của hệ thống thu phí không dừng. Thực tế, nhiều việc đã được triển khai như dành làn đường riêng cho thu phí không dừng và chỉ có phương tiện dán thẻ E-tag mới được đi vào, thì giờ cần phải thực hiện triệt để. Bên cạnh đó, nhà đầu tư, vận hành cũng cần chủ động hợp tác với tất cả các ngân hàng triển khai sớm việc kết nối, thanh toán điện tử, để khách hàng dù có tài khoản ở nhiều ngân hàng khác nhau đều có thể sử dụng được dịch vụ thu phí không dừng.
Ở góc độ tạo thuận lợi để thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ thu phí không dừng, một đề xuất đáng chú ý từ phía Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam là cần tôn trọng nguyên tắc thị trường trong cung cấp dịch vụ. Thu phí không dừng đã rõ lợi ích song không vì thế mà lạm dụng giải pháp hành chính, mệnh lệnh, bỏ qua nguyên tắc thị trường. Do đó, đơn vị cung cấp dịch vụ cần nghiên cứu đưa ra nhiều hình thức thu phí thuận lợi, phù hợp để người dùng lựa chọn.
Làm rõ sự tiện lợi, đi cùng với kiểm tra, giám sát, chắc chắn dự án thu phí không dừng sẽ bảo đảm tiến độ đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.