(HNMO) - Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng, tham nhũng trong công tác cán bộ là có vì
"Cả họ làm quan" cũng chính là hành vi tham nhũng
Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên). |
Đề cập đến thực trạng "cả họ làm quan" ở một số địa phương một cách đúng quy trình, ĐBQH Trần Thị Dung (Điện Biên) nêu câu hỏi, nhiều người nhà cùng làm quan thì liệu trong công việc có công tâm, khách quan? Ai là người kiểm tra, đánh giá năng lực, hiệu quả công việc của những người này?
Điều đáng nói là nếu dòng họ đó không có người có trọng trách ngay trong xã đó thì những người kia có được quy hoạch đề bạt không? Để rồi trong một xã có đến gần nửa biên chế là anh em, con cháu của họ.
"Đối chiếu với Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII thì đây là "thao túng trong công tác cán bộ, sử dụng liên tục quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để trục lợi" - đại biểu tỉnh Điện Biên nêu.
Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Dung phân tích, tại cấp xã, do địa bàn hẹp, tính chất công việc có đặc điểm rất riêng như đất đai, xây dựng, đầu tư là việc lớn; còn lại các việc khác như thủ tục khai sinh, kết hôn, chứng nhận lý lịch... không có lý do gì để vòi vĩnh quá nhiều. Trong một xã người dân đều quen biết nhau, và lâu dần thành lệ, những chuyện nhỏ cứ thế mà làm, việc gì khó hay lớn hơn thì người này hỏi kinh nghiệm của người kia: "Việc ấy lên xã gặp ai, bao nhiêu?... và nhiều lần thành tham nhũng vặt.
Đại biểu Dung cho rằng vấn đề mình đề cập gây nhiều bức xúc của người dân với cấp chính quyền gần dân nhất, hiểu dân nhất và có trách nhiệm chăm lo cho người dân ngay tại cơ sở. Các biểu hiện đại biểu đề cập như trên chiếm tỷ lệ không nhỏ trong số 11.000 đơn vị cấp xã của cả nước.
"Vấn đề ở đây là cần nhận diện rõ bản chất để xử lý nghiêm minh. Đó là đòi hỏi của người dân đối với 'đầy tớ, công bộc' của mình, đang hưởng lương từ chính đồng thuế mà người dân đóng góp.
Nhận diện rõ "cả họ làm quan" cũng chính là hành vi tham nhũng. Và tuy là tham nhũng vặt nhưng tác hại lại khôn lường, làm hư hỏng nền công vụ ngay từ cơ sở, là một trong những nguyên nhân lớn làm cho cải cách hành chính trì trệ, tắc nghẽn ngay từ cấp xã" - đại biểu Dung thẳng thắn nêu.
Có hay không tham nhũng trong bổ nhiệm cán bộ?
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho biết, cử tri mong muốn được chuyển đến Quốc hội câu hỏi "có hay không tham nhũng trong bổ nhiệm cán bộ?".
"Nếu có thì báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng chưa đầy đủ; còn nếu không thì tại sao việc bổ nhiệm cán bộ công chức đúng quy trình mà người tài, người đức tốt hơn lại không được bổ nhiệm? Một bộ phận cán bộ, công chức năng lực hạn chế hơn lại được bổ nhiệm. Và tai hại hơn, khi được bổ nhiệm thì đội ngũ cán bộ công chức này lại được tổ chức trao cho họ cái quyền hành dân, hành doanh nghiệp" - đại biểu Bộ phân tích.
Tiếp đó, đại biểu cho rằng, tham nhũng trong công tác cán bộ là có, vì theo nguyên lý "không có lửa thì không có khói" khi dân gian có câu “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”.
Và ngoài 4 yếu tố nêu trên thì theo đại biểu Nguyễn Mai Bộ, quy định pháp luật về cán bộ công chức hiện nay còn hạn chế cho nên dẫn tới có tham nhũng. Cụ thể, Điều 27, 28 Luật Cán bộ công chức chỉ nêu mục đích, nội dung đánh giá cán bộ công chức nhưng không quy định về phương pháp cho nên việc đánh giá cán bộ công chức, kể cả việc đánh giá để bổ nhiệm phụ thuộc rất nhiều vào vị trí người đánh giá.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang). |
Đại biểu cũng bày tỏ sự chia sẻ với cơ quan có trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng trong thời gian vừa qua, bởi phòng, chống tham nhũng trong trường hợp này rất khó.
Bởi lẽ, cán bộ tham nhũng, hành vi tham nhũng trong trường hợp này là nhận hối lộ và đưa hối lộ, cả hai người nhận hối lộ và đưa hối lộ thì không bao giờ tự khai báo về hành vi đó mà người thứ ba thì không có bằng chứng hoặc bằng chứng không đủ để chứng minh.
"Nhưng dù sao tôi cho rằng, tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ là cần chống, bởi vì nếu không làm tốt công tác này thì hệ quả tạo ra thế hệ tham nhũng thứ hai. Khi họ đã bỏ tiền ra chạy chức chạy quyền thì khi được trao quyền họ sẽ tìm cách thu lại và không cách nào thu lại khác, đó chính là tham nhũng tiếp theo" - đại biểu Nguyễn Mai Bộ bày tỏ.
Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Mai Bộ đề nghị sửa Luật Cán bộ công chức, bổ sung quy định về phương pháp đánh giá cán bộ công chức trước khi bổ nhiệm.
Đẩy mạnh phòng ngừa, tội phạm vẫn gia tăng
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên). |
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) bày tỏ cảm giác về tồn tại những mâu thuẫn nghịch lý trong xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật ở nước ta. Đó là lĩnh vực nào có luật phòng chống, chương trình phòng ngừa giảm thiểu thì kết quả thực hiện thường có chiều hướng ngược lại.
Đại biểu đưa ra một vài ví dụ như giải pháp phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật luôn được quan tâm, đẩy mạnh nhưng một số tội phạm nghiêm trọng, số vụ giết người vẫn không ngừng tăng; tội phạm ma tuý, tội phạm môi trường tăng từ 10-19%/năm.
Những chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của cử tri cả nước nhưng các vụ khởi tố điều tra vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ (tăng gần 21% về số vụ và trên 28% về số bị can)...
"Đã có cử tri nói với chúng tôi rằng, nên đề nghị Quốc hội đổi tên Luật Phòng, chống thanh nhũng thành luật... diệt tham nhũng, bởi sự lan nhanh, lan rộng như virus và nguy hiểm như dịch bệnh của nó" - đại biểu Minh Hiền phát biểu.
Trong thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, mức độ, phạm vi bạo hành ngày càng mở rộng hơn, công khai hơn. Bạo lực tấn công vào trường học, ngang nhiên chốn công sở, không chừa cả sân bay, nơi có yêu cầu nghiêm ngặt về an ninh và giờ thì xông thẳng vào bệnh viện để truy sát nạn nhân, hành hung y bác sĩ, bất chấp đạo đức và pháp luật hiện hành.
"Tại sao lại có những nghịch lý đến hôm nay vẫn còn tồn tại, vẫn còn kéo dài mãi. Phải chăng ngay từ đầu, tính nghiêm minh, sự minh bạch đã không được coi trọng trong công tác xây dựng pháp luật? Phải chăng những lỗ hổng pháp lý, tính kỷ cương, kỷ luật trong thực thi quyền hành, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ trong cơ quan tư pháp đang được xem nhẹ và đã tạo ra những câu chuyện nghịch lý vừa nêu?" - đại biểu Hiền nêu ra một số vấn đề.
Trong phát biểu của mình, đại biểu cũng mong muốn Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm, có những giải pháp hiệu quả về hoạt động tư pháp, giúp những nạn nhân trong các vụ bạo hành, xâm hại tình dục rút ngắn hành trình đi tìm công lý, lấy lại công bằng, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của công dân.
Đại biểu Hiền cho rằng, rất nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em có dấu hiệu khuất tất, bỏ lọt tội phạm, có vấn đề về đạo đức cán bộ, về tư duy tư pháp.
Sáng mai (7-11), các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2017; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.
Cuối phần thảo luận, đại diện cơ quan trình báo cáo sẽ giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.