(HNM) - Mới đây, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã đề xuất đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo cấp giấy phép lái xe sau khi có nhiều vụ tai nạn giao thông trên đường cao tốc liên quan đến kỹ năng xử lý sự cố khẩn cấp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc kỹ khi xem xét đề xuất này để bảo đảm phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và hạn chế gây tốn kém cho các trung tâm đào tạo cũng như chi phí cho người học.
Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông quý I, triển khai nhiệm vụ quý II-2022 do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho rằng, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn trên các tuyến cao tốc thời gian qua là do ý thức của người tham gia giao thông và kỹ năng lái xe trên đường cao tốc còn yếu.
Thống kê cho thấy, chỉ trong quý I-2022, toàn quốc xảy ra 49 vụ tai nạn giao thông trên các tuyến cao tốc, làm 7 người chết, 19 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2021 tăng 3 người chết, giảm 9 người bị thương. Từ phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn, Cục Cảnh sát giao thông đề nghị Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ đạo các đơn vị chức năng nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo.
Khẳng định thành phố Hà Nội luôn quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và sát hạch lái xe, song Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) Đào Duy Phong nhận định, đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo cấp giấy phép lái xe là việc khó và chưa thể triển khai ngay. Pháp luật hiện hành cũng chưa cho phép các phương tiện tập lái, sát hạch được lưu thông trên đường cao tốc. Nếu được cơ quan có thẩm quyền trưng cầu ý kiến về vấn đề này, Sở sẽ tham gia góp ý trên cơ sở đề nghị lập đề án nghiên cứu, xem xét cho phù hợp với tình hình thực tế, có lộ trình để thực hiện.
Đồng tình với quan điểm này, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và Người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Lương Duyên Thống cho rằng, đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo cấp giấy phép lái xe sẽ là công việc khó thực hiện.
Theo ông Lương Duyên Thống, hiện chưa có nước nào có trung tâm đào tạo lái xe đầu tư một tuyến đường cao tốc để cho học viên vào học trong sa hình. Trong giáo trình đào tạo có một chương về đào tạo lái xe trên đường cao tốc, trong đó có đề cập rõ việc người lái xe vào ra phải xử lý như thế nào, chuyển làn, xử lý tình huống trên cao tốc...
Thời gian tới, ngoài việc giáo trình có nội dung này, phần trang bị phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe (cabin học lái xe) cũng có hướng dẫn học lái xe trên đường cao tốc. Với phần mềm và thiết bị mô phỏng lái xe, học viên sẽ được tập luyện kỹ năng và tập phản xạ trong điều kiện các yếu tố về địa hình, cung đường, thời tiết, tình trạng giao thông và các tình huống giao thông khác nhau. Vừa qua, Bộ Giao thông - Vận tải đã có thông tư “chốt” mốc các trung tâm đào tạo phải trang bị và sử dụng cabin học lái xe theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để đào tạo lái xe trước ngày 31-12-2022.
Về phía các đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe của Hà Nội, theo Giám đốc Trung tâm Sát hạch và Cấp giấy phép lái xe ô tô Đức Thịnh (huyện Đông Anh) Nguyễn Đức Hải, nếu đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo, các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe sẽ phải bỏ kinh phí đầu tư đường dài 3-5km theo tiêu chuẩn sẽ rất tốn kém, trong khi, pháp luật hiện cũng không cho học viên học lái xe trên đường cao tốc chạy tốc độ 60-100km/giờ sẽ gây nguy hiểm. Ngoài ra, hiện nhiều tỉnh, thành phố còn chưa có tuyến đường cao tốc chạy qua. Ở các nước trên thế giới, bài tập lái xe trên đường cao tốc cũng chưa được đưa vào chương trình đào tạo, sát hạch.
“Hiện chi phí đào tạo, sát hạch là 10-13 triệu đồng/khóa học và sát hạch để cấp giấy phép hạng B1, B2 - đây là khoản chi phí không hề thấp. Nếu đưa thêm yêu cầu phải đào tạo lái xe trên đường cao tốc, các trung tâm sẽ phải tăng chi phí lớn để đầu tư hạ tầng, học phí tăng theo. Do đó, muốn nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo thì quan trọng là phải kiểm soát chặt chẽ “đầu ra” để không bị lọt những học viên không đủ khả năng điều khiển phương tiện vẫn được cấp giấy phép lái xe”, chị Nguyễn Phương Mai (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.