Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều bất cập trong đào tạo lái xe ô tô

Dung Nhi| 05/04/2023 17:49

(HNMO) - Gần đây, Báo Hànộimới nhận được ý kiến của bạn đọc nêu một số bất cập trong các quy định về đào tạo lái xe ô tô theo Luật Giao thông đường bộ hiện hành. Trong đó, điển hình là việc một số môn học lý thuyết đã quá lạc hậu, bị trùng lặp nội dung, chưa phù hợp và hình thức tổ chức lớp học thiếu linh hoạt.

Chị Nguyễn Thị Liên, ở phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có ý định đăng ký học lái xe ô tô tại một trung tâm đào tạo lái xe ở huyện Thanh Trì (Hà Nội), nhưng khi tìm hiểu quy định học lý thuyết, chị thấy có những vấn đề bất hợp lý. Cụ thể, có tới 4/5 môn học có nội dung không phù hợp. Chẳng hạn môn Nghiệp vụ vận tải có nhiều nội dung trùng với môn Luật Giao thông đường bộ, môn Đạo đức văn hóa giao thông lại có nhiều nội dung giống như môn Pháp luật giao thông.

Theo chị Liên, quy định học viên học lý thuyết phải đến lớp học tập trung, 8 giờ/ngày và kéo dài trong 21 ngày, có điểm danh thực sự làm khó học viên. "Tôi vẫn đang đi làm nên không thể xin nghỉ 21 ngày để học lái xe. Vì vậy, tôi quyết định không theo học nữa", chị Liên nói. Chị Liên cũng cho rằng, thay vì học lý thuyết tập trung, nên thay đổi bằng hình thức học online hoặc học từ xa để tạo thuận lợi cho học viên.

Nhiều quy định chưa phù hợp thực tiễn trong đào tạo lái xe ô tô. Ảnh minh họa.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Dương, ở phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vừa tham gia một khóa học lái xe cho biết, phần thực hành cũng có những quy định chưa phù hợp. Chẳng hạn, yêu cầu hiện nay là khi tập lái xe trong sân hình, học viên phải chạy trung bình 7km/h. Nhưng thực tế, tại sân hình, mỗi học viên chỉ có thể đi được 3,5 km/h. Tương tự, khi học thực hành lái xe trên đường giao thông, mỗi học viên đi với tốc độ trung bình 35 km/h, trong khi quy định chỉ cho phép đi trung bình 20,2 km/h. Anh Dương cho rằng, với lưu lượng phương tiện giao thông đông như hiện nay, việc đi với tốc độ 20,2 km/h sẽ gây ảnh hưởng tới các phương tiện khác, gây cản trở giao thông.

Một quy định bất hợp lý khác cũng được anh Trần Trọng Trường ở phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), hiện đang là giáo viên dạy lái xe nêu, đó là việc mỗi xe tập phải có đủ 5 học viên do 1 giáo viên quản lý. Sổ theo dõi thực hành lái xe phải có chữ ký của giáo viên đó. Trong khi trên thực tế, để đáp ứng nhu cầu của học viên, các trung tâm, cơ sở đào tạo có thể bố trí 1 thầy, 1 xe phục vụ 1 học viên hoặc đưa đón tận nhà. 1 học viên cũng có thể do nhiều giáo viên đảm nhiệm vì đều thực hiện một giáo án chung.

 “Nhiều học viên khi tham gia thực hành đã không bố trí được thời gian như yêu cầu nên đã bỏ hẳn khóa học, nhiều học viên khác khi nắm được quy định mới đã từ bỏ kế hoạch học lái xe do thấy khó quá", anh Trường chia sẻ.

Ảnh minh họa.

Trước những băn khoăn nêu trên, cuối tháng 3-2023, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có Công văn số 28/CV-HHVT gửi Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị sửa đổi một số quy định không phù hợp trong lĩnh vực đào tạo lái xe ô tô.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đã chỉ ra những bất cập, đặc biệt nhấn mạnh quy định về thời gian thực hành quá nhiều, gây khó khăn cho người học và cơ sở đào tạo. Cụ thể, để dạy một học viên biết lái xe, chỉ cần khoảng 30 giờ thực hành là đạt yêu cầu của kỳ thi sát hạch. Song thực tế, quy định lại đòi hỏi thời gian thực hành trên xe tập lái của 1 học viên là 84 giờ đối với hạng B1 và B2, trong đó có 41 giờ thực hành trong sân tập lái (tương ứng với 290km) và 40 giờ thực hành trên đường giao thông (tương ứng với 810km). Đây là quy định chưa hợp lý, gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo trong việc tuyển dụng giáo viên, phát sinh thời gian và chi phí không cần thiết cho học viên cũng như cơ sở đào tạo.

Trên cơ sở những bất cập rút ra từ thực tế, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi chương trình đào tạo lái xe theo hướng rút gọn, đơn giản hóa để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý cũng như thực hiện đối với lĩnh vực này. Theo đó, cơ quan chức năng cần điều chỉnh phần trùng lặp trong các môn học lý thuyết, sửa đổi nội dung học lái xe trên đường theo hướng giảm số giờ học...; đồng thời, sửa quy định thi cấp Chứng chỉ đào tạo hoặc Chứng chỉ sơ cấp nghề cho phù hợp với quy định về việc xét cấp chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ sơ cấp nghề của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều bất cập trong đào tạo lái xe ô tô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.