(HNM) - Ngày quốc tang 25-11, toàn bộ công sở trên đất nước chùa Tháp đóng cửa, công chức nghỉ 1 ngày. Mọi hoạt động vui chơi giải trí đều dừng lại. Nhiều người dân Campuchia đã bức xúc đòi đóng cửa cây cầu chết chóc. Trong khi đó, đến cuối ngày, khi chúng tôi có mặt ở khu vực cầu Koh Pich, nhiều thợ lặn vẫn tiếp tục lặn lội dưới lòng sông mong tìm người tử nạn.
>> Toàn cảnh Thảm họa tại lễ hội nước ở Campuchia
Cả nước rơi lệ
Phnom Penh có thêm một đêm không ngủ. Đêm trước ngày quốc tang, ánh trăng hạ huyền lạnh ngắt hắt xuống dòng Mê Kông lặng lẽ. Quá 0h ngày 25-11, trên ban công nhiều ngôi nhà vẫn thấp thoáng bóng người hướng về ánh trăng trên cao, thành kính chắp tay cầu nguyện. Trên đường phố, ngoài bờ sông, hướng về chiếc cầu định mệnh Koh Pich, nhiều bàn thờ nhỏ bày lễ vật đầy đặn. Bầu không khí thành kính bao trùm toàn Thủ đô Phnom Penh.
Lễ tưởng niệm các nạn nhân tại Thủ đô Phnom Penh. Ảnh: Dương Hiệp |
Sáng sớm 25-11 hàng nghìn người dân Phnom Penh xếp hàng dài trong trật tự. Các tình nguyện viên mặc đồng phục đeo khăn đỏ bày tỏ niềm tiếc thương những người đã khuất. Thủ tướng Campuchia cùng phu nhân có mặt từ 7h. Ông thành kính thắp nén nhang thơm, đôi mắt ngấn nước. Trong khi đó, dù không có thân nhân trong thảm họa nhưng rất nhiều người vẫn thức trắng đêm tới buổi lễ tại khu vực cầu dẫn vào đảo Kim Cương để cùng tưởng niệm những người đã khuất.
Khác với những ngày trước, hàng rào an ninh quanh khu vực đã được nới rộng thêm 1km về phía ngoài trung tâm Naga World hoành tráng gần đó để bảo đảm an toàn, trật tự. Ngoài đường phố và trước mỗi ngã ba, ngã tư, người dân treo cờ rủ... Đại sứ quán các nước cũng treo cờ rủ.
Người dân Phnom Penh đổ về khu vực tổ chức quốc tang mỗi lúc một đông. Không còn cảnh chen lấn, xô đẩy như mấy hôm trước. Họ bảo nhau xếp thành hàng dài, chia nhau bày nến và hoa. Chị Sok Panha, nhân viên Công ty Đầu tư - kinh doanh vàng First State tâm sự: Tôi cùng một vài người bạn đã xin nghỉ việc, tới đây thắp hương và dâng hoa cho những người xấu số và lên chùa cầu cho linh hồn họ sớm được siêu thoát.
Trong những ngày qua, các nhà sư tại Phnom Penh đã tổ chức cầu nguyện trên đường phố cho những người đã khuất từ khu vực gần Cung điện Hoàng gia đến nơi xảy ra thảm kịch. Lễ cầu siêu cho những người đã khuất cũng được tổ chức trong những ngôi chùa lớn…
Một em bé đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân. Ảnh: Dương Hiệp |
Khó khăn vẫn chồng chất
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Campuchia, từ ngày thứ 3 (23-11) các chính phủ nước ngoài đều đã gửi điện chia buồn sâu sắc tới nhân dân Campuchia, đồng thời bày tỏ sự sẵn sàng giúp đỡ. Men Neary Sopheak, Phó Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Campuchia cho biết: Các tình nguyện viên vẫn đang tiếp tục công việc hỗ trợ người bị thương, tìm kiếm người còn mất tích cũng như người chết.
Đến cuối ngày 25, khi chúng tôi có mặt ở khu vực cầu Koh Pich, nhiều thợ lặn vẫn tiếp tục sục bùn lòng sông do nghi ngờ còn người tử nạn bị lèn xuống dưới đáy. Người phát ngôn Chính phủ Khiêu Kanharit nói: Hiện tại, đã có ba ủy ban được thành lập để điều tra nguyên nhân gây ra thảm họa, tìm kiếm người mất tích và giữ gìn tử thi chưa được thân nhân đến nhận.
- Đây là cây cầu tồi tệ cơ quan chức năng nên đóng cửa cầu… - một người đàn ông ở Phnom Penh gần 50 tuổi bày tỏ.
Cây cầu Koh Pich có thể khóa lại được nhưng nỗi đau trong lòng những người dân Campuchia còn rất lâu mới có thể nguôi ngoai. Bên cạnh nỗi đau là sự bức xúc. Một người dân Campuchia khác cho biết, để tránh những tình huống nguy hiểm tương tự, từ nay cần phải hạn chế đám đông tới các khu vực chật hẹp ngay từ lối vào để tránh các nút thắt cổ chai khi hoảng loạn.
Tấm lòng người Việt
9h sáng 25-11, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia tổ chức lễ quyên góp của cộng đồng người Việt Nam tại Phnom Penh để ủng hộ gia đình những người bị nạn. Đại sứ Ngô Anh Dũng cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về thảm họa, ông đã gọi điện cho Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia hỏi thăm tình hình, gửi lời chia buồn sâu sắc, đồng thời bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ, nhất là về công tác y tế, nếu nước bạn yêu cầu. Số tiền hỗ trợ của cộng đồng người Việt Nam ngay lập tức được chuyển về Ủy ban Cứu trợ khẩn cấp của Campuchia. Riêng mỗi gia đình người Việt Nam có thân nhân tử vong được ủng hộ thêm lên 200 USD. Mỗi người bị thương được giúp đỡ 50 USD.
Ông Châu Văn Chi, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Campuchia cho biết thêm, Hội đã tự tổ chức vận động, ủng hộ mỗi người bị thương nặng 200.000 riel (tiền Campuchia, tương đương 25 USD), người bị thương nhẹ 100.000 riel và thân nhân mỗi người tử vong 50.000 riel. Cũng theo ông Chi, cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia vẫn đang tiếp tục quyên góp, ủng hộ, bất kể nạn nhân là người Việt Nam hay người Campuchia.
Trước đó, đoàn công tác của TP Hồ Chí Minh đã tới Thủ đô Phnom Penh, mang theo nhiều thuốc men hỗ trợ bạn. Đoàn đã đi thăm hỏi các nạn nhân tại Bệnh viện Calmette. Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: "Với tinh thần đoàn kết như anh em một nhà giữa TP Hồ Chí Minh và Phnom Penh chúng ta càng thấy phải có trách nhiệm hơn nữa với người dân Campuchia. Thay mặt người dân Campuchia, Đô trưởng Phnom Penh và Giám đốc Bệnh viện Calmette đã bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đến những người anh em Việt Nam.
Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia chia buồn về thảm họa ở Campuchia (HNM) - Ngay sau khi nghe tin về thảm họa xảy ra tại đảo Kim Cương tại Thủ đô Phnom Penh, Campuchia làm hàng trăm người chết và bị thương, thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Campuchia, Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới Văn phòng Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Hoàng gia Campuchia - bà Men Sam An, Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam. * Ngày 25-11, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố Hồ Chí Minh và Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang đã gửi điện chia buồn tới bà Men Sam An. Liên hiệp Kiên Giang đã gửi 5.000 USD tới Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam để góp phần khắc phục những hậu quả nặng nề của thảm họa. Minh Nhật |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.