(HNM) - Thời gian qua, Hà Nội đã có những chuyển biến trong việc kiểm soát các lò mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, thủ công, tỷ lệ thịt bán ra thị trường được kiểm soát đã tăng lên 44%...
Tuy nhiên, hình thức giết mổ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn tồn tại; chính sách hỗ trợ sau giết mổ đã có nhưng chưa hấp dẫn; nhiều nơi có đất để xây dựng lò mổ nhưng không có doanh nghiệp đầu tư... Những tồn tại này khiến việc kiểm soát các lò mổ không bảo đảm an toàn thực phẩm của Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có 3 lò mổ công nghiệp, 14 cơ sở bán công nghiệp và 5 lò mổ tập trung. Trong quý I-2015, các lò mổ này đã cung cấp cho thị trường 256 tấn thịt gia súc, 57,6 tấn thịt gia cầm, đáp ứng 44% sản phẩm giết mổ trên địa bàn có kiểm soát. Như vậy, số thực phẩm chưa được kiểm soát được đưa ra thị trường có tỷ lệ vẫn cao, chiếm 56% với số lượng khoảng 396 tấn thịt gia súc, gia cầm, chủ yếu là từ các lò mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư. Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội Đỗ Phú Sơn cho biết, việc triển khai thực hiện quy hoạch cơ sở giết mổ tại các huỵện, thị xã còn gặp khó khăn trong khâu bố trí đất đai, giải phóng mặt bằng và nguồn vốn. Sự quan tâm về công tác quản lý giết mổ của chính quyền địa phương còn hạn chế, chưa được chú trọng. Ngoài ra, các lò mổ công nghiệp với mục đích ban đầu xây dựng để giết mổ sau đó xuất khẩu, nhưng do không có thị trường nên quay trở lại giết mổ phục vụ thị trường trong nước. Với chi phí vận hành quá lớn lại chỉ giết mổ được nhỏ giọt nên các lò mổ công nghiệp này cũng ngừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động với 10% công suất so với thiết kế ban đầu... Chưa kể, nhiều địa phương không bố trí được quỹ đất cho xây dựng lò giết mổ bảo đảm vệ sinh như ở xã Hữu Văn (Chương Mỹ). Hà Nội mới chỉ có chính sách hỗ trợ sau giết mổ mà chưa có chính sách cụ thể về hỗ trợ đầu tư cho lò mổ công nghiệp nên các doanh nghiệp không mặn mà.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai, trung bình một ngày có 30 tấn thịt gia cầm được nhập về khu giết mổ tập trung ở xã Bình Minh để giết mổ sau đó bán cho các chợ trên địa bàn thành phố. Thế nhưng mặc dù từ năm 2012 huyện đã quy hoạch khu giết mổ này với diện tích 4,3ha, kinh phí 110 tỷ đồng, trong đó tiền đền bù giải phóng mặt bằng 35 tỷ đồng, nhưng đến nay thành phố mới cấp được 20 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng, nên dự án vẫn chưa triển khai xong như kế hoạch ban đầu. Còn ông Nguyễn Văn Tĩnh - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng thì cho rằng, để xóa bỏ các lò giết mổ nhỏ lẻ trong dân, huyện đã có quy hoạch về điểm giết mổ của Công ty cổ phần Thực phẩm Foodex với sự hỗ trợ của cả thành phố và huyện. Tuy nhiên, đến nay vẫn không có hộ nào vào Foodex bởi các hộ cho rằng giết mổ theo dây chuyền công nghiệp thịt bị nhão, không đáp ứng chất lượng thịt để làm giò, chả…
Theo ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thành phố cần hỗ trợ chi phí giết mổ cho các lò mổ công nghiệp, các cơ sở đáp ứng tiêu chí và có kiểm soát nằm trong quy hoạch. Các cơ sở này cần được tiếp tục hỗ trợ theo Quyết định 16. Các huyện, thị xã thực hiện quy hoạch giết mổ, tập trung, từng bước đình chỉ hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không bảo đảm yêu cầu vệ sinh theo quy định. Thành phố nên quy hoạch ở các huyện, thị xã chợ đầu mối kinh doanh buôn bán động vật gắn với việc xây dựng cơ sở giết mổ có kiểm soát bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, hình thành hệ thống các cửa hàng kinh doanh sản phẩm động vật sạch trên địa bàn. Ngoài ra thành phố cũng cần có những tháo gỡ các chính sách về hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ ban đầu để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Các huyện cần phối hợp với các sở, ban, ngành của thành phố thực hiện tích cực công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án…
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho rằng, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm đạt vệ sinh an toàn thực phẩm ở thành phố rất lớn nhưng việc quản lý giết mổ, chế biến, vận chuyển thực phẩm còn nhiều bất cập, hạn chế. Nguồn nhân lực để kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát việc giết mổ còn yếu và thiếu. Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội cần chú trọng việc phát triển các lò mổ theo phương pháp công nghiệp, bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định, tạo thành chuỗi liên kết bền vững, tránh tình trạng xây dựng nhà máy giết mổ nhưng không sử dụng, gây lãng phí. Các trung tâm, các chi cục cần chỉ đạo các trạm thú y tích cực phối hợp với các huyện, thị xã thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, quản lý các lò mổ nhỏ lẻ, tránh tình trạng thiếu cán bộ quản lý hay quản lý kiểm tra, giám sát bị đan xen chồng chéo thiếu hiệu quả. Việc tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên, kiên trì xuống tới cơ sở, đến từng khu dân cư, người dân giết, mổ nhỏ lẻ để làm thay đổi nhận thức sản xuất, chế biến...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.