(HNMCT) - “Có nhiều cách sống và nhiều cách chết để sống” - ngay từ những tác phẩm đầu tiên hơn chục năm trước cho đến cuốn sách mới ra mắt gần đây, Nguyễn Quỳnh Trang dường như vẫn nhiều ngẫm ngợi, ưa triết lý như câu viết của nhà văn Haruki Murakami mà chị dẫn trong nhiều cuốn sách của mình. Điểm khác biệt là trải qua thời gian, giờ đây đã không còn một Nguyễn Quỳnh Trang bối rối đi tìm chính mình trong những tác phẩm đầu tay nữa, “tôi đã ở đây trong cuộc đời này” của Trang đã bước qua nhiều cánh cửa để Tìm bến mục mơ cho riêng mình.
Nguyễn Quỳnh Trang sinh năm 1981 và cuốn sách đầu tay của chị cũng mang con số này. Là biên tập viên của một tờ báo nên đứa con tinh thần đầu tiên của chị dường như cũng được truyền thông ưu ái ít nhiều, nhưng tất nhiên lý do chủ yếu vẫn là đề tài mà 1981 đề cập khiến nhiều người đọc “giật mình”: Chuyển giới. Song, với Nguyễn Quỳnh Trang, 1981 không đơn giản là câu chuyện về giới tính, ẩn sau đó là những ám ảnh, dằn vặt, quẫy đạp của người trẻ tìm bản ngã, tìm lối đi cho mình. Chỉ 2 tháng sau khi phát hành, 1981 đã được bán hết, và đến nay đã tái bản nhiều lần.
Sau cuốn tiểu thuyết đầu tay xuất bản năm 2007, Nguyễn Quỳnh Trang liên tục cho ra mắt sáng tác của mình, hầu như mỗi năm một cuốn sách ở nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn. Vẫn tiếp mạch trong 1981, ở những tiểu thuyết sau như Nhiều cách sống, Mất ký ức, những nhân vật trẻ trong sách của Trang luôn tự hỏi mình là ai, muốn khẳng định bản thân và tìm kiếm hạnh phúc. Phải đến 7 năm sau, khi tiểu thuyết 9X’09 ra đời, dường như Nguyễn Quỳnh Trang mới thực sự tìm được lối đi cho các nhân vật, cũng như cho chính mình.
Không còn quẩn quanh bối rối kiếm tìm, Nguyễn Quỳnh Trang đã bắt đầu “nhớ tập sống trước khi mình thực sự hết kiếp người”. Tập sống, với chị, có khi chỉ đơn giản là bỏ hết bộn bề công việc, chịu khó thức khuya để dành ra dù dăm chục phút mà thảnh thơi, nhẩn nha ngắm hoa quỳnh nở trong đêm và cảm thấy sự thanh thản dâng lên. Tập sống là sẵn lòng mở rộng trái tim, muốn nhận lại gì thì sẽ trao cho người khác điều đó, bởi “sâu trong mỗi người, lòng ai cũng đều có thể mềm mại vì sự thương yêu chân thành”. Tập sống còn là học cách tin tưởng những người thân thiết nhất, quên đi mọi lỗi lầm để vị tha mãi mãi. Cả cho đến tập truyện ngắn Tìm bến mục mơ mới xuất bản năm 2020, Nguyễn Quỳnh Trang vẫn tiếp tục khẳng định quan niệm “tập sống” của mình khi ngẩng đầu ngắm bầu trời xanh mát, khi đứng yên hít thật sâu mùi vị xung quanh...
Tìm bến mục mơ gồm 22 truyện ngắn, nhưng nếu đọc liền mạch cả tập truyện lại như một câu chuyện chung dài cùng mang một âm hưởng “dù là con tàu đắm mà vẫn cố đi tìm một bến mục mơ”. Tập sống hay đi tìm cho mình một bến mục mơ, đó có lẽ đều là kết quả từ rất nhiều trải nghiệm, có vui có buồn, có đổ vỡ chia ly của Nguyễn Quỳnh Trang trong đời thực.
Trước tập truyện ngắn Tìm bến mục mơ, Nguyễn Quỳnh Trang từng xuất bản tập truyện Cho một hành trình, 24h. Đặc biệt, chị có những tập ký, phỏng vấn chân dung Đi về không điểm đến, Cả cuộc đời dành cho việc này. Luôn cho rằng viết văn là một công việc nhọc nhằn, song Nguyễn Quỳnh Trang khẳng định: “Không viết văn không có nghĩa là chết đói. Nhưng không viết văn nghĩa là sẽ chết về tinh thần”. Cho nên bấy lâu, chị vẫn làm nghề báo để nuôi nghiệp văn. Sự kết hợp của báo với văn, chính là hai cuốn chân dung đặc biệt này.
Nếu Đi về không điểm đến là cuốn bút ký (xuất bản năm 2013) với những phác họa không chỉ về sự nghiệp mà còn cả những câu chuyện đời thường về các nhà văn, nhà phê bình, dịch giả, thì Cả cuộc đời dành cho việc này (xuất bản năm 2018) là những cuộc đối thoại, phỏng vấn nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, nhà văn Nguyễn Bình Phương, đạo diễn Hoàng Điệp, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình... Song, không đơn thuần là bài viết chân dung, mà như chính tên cuốn sách Cả cuộc đời dành cho việc này, những bài viết trong cuốn sách của chị còn mang ý nghĩa truyền cảm hứng, thắp ngọn lửa đam mê cho những người yêu văn học nghệ thuật, đặc biệt là những bạn trẻ vẫn còn loay hoay trên con đường sáng tạo của riêng mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.