Theo dõi Báo Hànộimới trên

Buộc phải "thông minh"!

Nguyễn Đức| 29/01/2015 06:02

(HNM) - Công an TP Hà Nội vừa triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả quy mô lớn, thu giữ khoảng 10 tấn sản phẩm giả sữa ong chúa, nhau thai cừu, Glucosamin, Collagen…

Cơ quan công an đánh giá, đây là vụ sản xuất và buôn bán thực phẩm chức năng giả lớn nhất từ trước tới nay bị triệt phá trên địa bàn Hà Nội. Được biết, đường dây này đã hoạt động cả năm qua, ba đối tượng bị bắt tạm giam phục vụ công tác điều tra. Theo lời khai, thực phẩm chức năng giả được đựng trong các túi nilon, dưới dạng viên nang và có màu giống với sản phẩm thật, nhập lậu qua biên giới phía Bắc. Bằng hình thức chào hàng trực tiếp hoặc qua điện thoại với giá thấp hơn các sản phẩm cùng loại, các đối tượng đóng vào lọ, hộp và giao hàng cho các đại lý không chỉ ở riêng Hà Nội. Thật may khi 10 tấn thực phẩm chức năng giả chưa tuồn ra thị trường. Và từ đây, cơ quan công an sẽ lần theo dấu vết để thu hồi thêm sản phẩm đang tồn ở các đại lý. Thế nhưng, chắc chắn đã có rất nhiều khách hàng không may vì đã bỏ không ít tiền của để mua và sử dụng loại thực phẩm chỉ có tác dụng về… tinh thần này.

Người tiêu dùng lâu nay đã quá vất vả trong "ma trận" thực phẩm sử dụng trong đời sống thường ngày. Với thực phẩm chức năng, càng khó để trở thành những người tiêu dùng "thông minh", để lựa chọn sản phẩm chuẩn.

Nhìn vào bao bì, vỏ hộp thực phẩm chức năng giả bị thu giữ, chắc hẳn không ít các bà, các cô lâu nay tỏ ra "hiểu biết, có kinh nghiệm" về sản phẩm này phải… giật mình. Giống như… thật! "Có bệnh thì vái tứ phương", không ít người, đặc biệt là nhiều người đặt niềm tin vào thực phẩm chức năng. Bởi lẽ, dưới nhiều hình thức, thông tin về thực phẩm chức năng đến với khách hàng không đầy đủ, thậm chí cố tình mập mờ để đánh lừa người tiêu dùng về chức năng thật sự. Đáng lo ngại, như đã nói ở trên, thực phẩm chức năng giả đã len lỏi vào được các đại lý nhờ… giá thấp hơn. Khi đã vào được các đại lý, người tiêu dùng càng có cơ sở để tin về chất lượng sản phẩm. Thực phẩm chức năng không phải là thuốc, không có tác dụng chữa bệnh, nên chắc chắn không gây hại tức thì như thuốc giả. Tuy nhiên, hại đến đâu, hại thế nào, quá trình tích hại ra sao thì rất khó trả lời chính xác và muốn biết, phải đợi cơ quan chức năng phân tích, nghiên cứu trước khi đưa ra kết luận về một sản phẩm giả cụ thể.

Được biết, để quản lý về lĩnh vực này, cùng với các văn bản quy phạm có liên quan, năm 2001, rồi năm 2004 Bộ Y tế đã ban hành thông tư hướng dẫn. Đến ngày 24-11-2014, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Thông tư số 43/2014/TT-BYT quy định về quản lý thực phẩm chức năng, thay thế Thông tư số 08/2004/TT-BYT ban hành ngày 23-8-2004. Thông tư 43 (với 8 chương, 21 điều), quy định chi tiết, chặt chẽ hơn so với Thông tư 08, chắc chắn sẽ giúp các cơ quan chức năng dễ dàng, thuận lợi hơn trong thực thi nhiệm vụ, nhưng phải đến ngày 1-2-2015, thông tư này mới có hiệu lực và chính thức thay thế Thông tư 08/2004/TT-BYT. Trong bối cảnh thật, giả lẫn lộn nêu trên, người tiêu dùng đành phải cố "thông minh", xem xét thật kỹ nguồn gốc để đỡ tốn tiền mua thực phẩm có chức năng nhưng chỉ có tác dụng về… tinh thần!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Buộc phải "thông minh"!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.