(HNM) - 17 năm sau khi rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM), Mỹ lại vừa khiến thế giới lo ngại khi tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) với Nga.
Nga và Mỹ liên tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung và tầm ngắn. |
Tuyên bố nói trên được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra trong cuộc gặp gỡ với báo giới sau cuộc vận động bầu cử giữa kỳ tại bang Nevada. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng, Nga là bên đã vi phạm thỏa thuận suốt nhiều năm qua trong khi Mỹ luôn tuân thủ các điều khoản của hiệp ước. Tổng thống D.Trump khẳng định, Mỹ sẽ phát triển vũ khí hạt nhân, trừ khi cả Nga lẫn Trung Quốc cùng tham gia và đồng ý ký kết một thỏa thuận hạn chế vũ khí nguyên tử mới.
Phản ứng trước động thái mới của Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, "chú Sam" đang cố gắng hiện thực hóa giấc mơ về một siêu cường toàn cầu duy nhất trong một thế giới đơn cực. Washington đã tiếp cận bước đi này trong lộ trình nhiều năm bằng cách cố ý và từng bước phá hủy nền tảng của thỏa thuận. Quyết định này là một phần chính sách của Mỹ nhằm rút khỏi các thỏa thuận pháp lý quốc tế.
Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô ký ngày 8-12-1987. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 tới 5.500km). Tuy nhiên, những năm gần đây, khi quan hệ Nga - Mỹ liên tục trượt dốc, hai bên cũng thường xuyên cáo buộc lẫn nhau về việc vi phạm văn bản này.
Washington cho rằng, Mátxcơva phát triển tên lửa hành trình R-500 và tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-26 Rubezh là vi phạm INF, vì các tên lửa này có tầm bắn vượt quá giới hạn cho phép của hiệp ước. Ngoài ra, Mỹ cũng cáo buộc Nga bí mật triển khai ít nhất một khẩu đội tên lửa hành trình SSC-8 ở biên giới với các nước châu Âu, mà nhiều khả năng đây là phiên bản trên bộ của tên lửa Kalibr phóng từ tàu ngầm và tàu chiến, có thể mang theo đầu đạn hạt nhân.
Ngược lại, Nga cũng tuyên bố Mỹ vi phạm INF khi triển khai các tổ hợp giếng phóng đa dụng MK-41 thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis tại châu Âu, bởi những thiết bị này không chỉ mang tên lửa đánh chặn, mà có thể lắp tên lửa hành trình tầm xa. Cùng với việc triển khai các thành phần lá chắn tên lửa tại châu Âu, Mỹ cũng sử dụng các tên lửa đạn đạo giả lập để kiểm tra hệ thống. Theo Mátxcơva, đây chính là “kẽ hở” để Washington lắp đặt các dòng tên lửa đạn đạo, vi phạm INF.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhiều nước phương Tây cho rằng vũ khí nguyên tử không còn là vấn đề của các siêu cường mà sẽ dịch chuyển sang các cường quốc tầm trung, chủ trương phát triển loại vũ khí này như Pakistan, Iran, Triều Tiên... Châu Âu cũng tạm yên tâm với một loạt hiệp định kiểm soát, cắt giảm vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ như IFN, Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START)...
Tuy nhiên, tình thế hiện nay thay đổi trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ D.Trump đã tuyên bố về các kế hoạch hiện đại hóa kho vũ khí của mình với việc sử dụng các thiết bị hạt nhân mới. Nếu INF đổ vỡ và sau đó START mới hết hiệu lực vào năm 2021, thế giới sẽ lần đầu tiên không còn sự ràng buộc giới hạn nào đối với các cường quốc hạt nhân kể từ năm 1972.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, Mỹ đang tạo tiền lệ xấu khi phá bỏ các định chế tạo ra sự ổn định chiến lược trên toàn cầu. Điều này được thể hiện rõ khi Washington rút khỏi ABM, từ chối phá hủy kho vũ khí hóa học hiện có, rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và giờ đây là tuyên bố liên quan INF. Những hành động trên đang châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới và khiến hòa bình trên thế giới đứng trước những nguy cơ khó lường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.