(HNMO) - Một số biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 chứa các đột biến có thể khiến vi rút lây lan dễ dàng hơn, gây ra triệu chứng bệnh nặng hơn, khó xét nghiệm hoặc khiến quá trình điều trị khó khăn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi đó là những biến chủng “đáng lo ngại”.
Biến chủng B.1.1.7 lần đầu được phát hiện ở Anh
Biến chủng B.1.1.7 lần đầu được phát hiện ở khu vực Đông Nam nước Anh và đã được báo cáo với WHO vào ngày 14-12-2020.
Tới nay, biến chủng này đã được ghi nhận ở hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới và là biến chủng phổ biến nhất ở Mỹ.
Theo các nhà khoa học Anh, B.1.1.7 có khả năng lây lan từ người sang người nhanh hơn 30-50% so với các biến chủng khác. Tuy nhiên, việc biến chủng này có nguy cơ gây tử vong cao hơn hay không vẫn chưa được khẳng định.
Ngày 21-1, Nhóm tư vấn về các mối đe dọa từ vi rút hô hấp mới của Anh (NERVTAG) đã đưa ra mô hình tính toán cho thấy, người nhiễm biến chủng B.1.1.7 có nguy cơ tử vong cao hơn từ 30-40% so với người mắc các biến chủng khác. Theo các nghiên cứu lấy mẫu từ cộng đồng ở Anh và Đan Mạch, việc B.1.1.7 lây lan trong cộng đồng gây ra nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao hơn.
Tuy nhiên, hai nghiên cứu được công bố trên Tạp chí khoa học The Lancet vào tháng 4 chỉ ra rằng, B.1.1.7 có khả năng lây nhiễm cao hơn song không gây ra triệu chứng bệnh nặng hơn đối với bệnh nhân phải nhập viện.
Các loại vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức); hãng Moderna (Mỹ); Johnson & Johnson (Mỹ) và AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) đều cho thấy hiệu quả trong việc chống lại biến chủng B.1.1.7.
Biến chủng B.1.351 lần đầu được phát hiện ở Nam Phi
Biến chủng B.1.351 lần đầu được phát hiện ở vịnh Nelson Mandela của Nam Phi, trong các mẫu bệnh phẩm từ đầu tháng 10-2020 và được báo cáo lên WHO vào ngày 18-12-2020.
Hiện hơn 80 quốc gia đã ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng này. Theo giới chức y tế Nam Phi, B.1.351 được cho là có khả năng lây lan cao hơn 50%. Biến chủng này không gây ra các triệu chứng bệnh nặng hơn, song có bằng chứng cho thấy, khi các bệnh viện chịu áp lực do sự lây lan nhanh của biến chủng này, nguy cơ tử vong ở người mắc Covid-19 sẽ tăng lên.
Một số nghiên cứu cho thấy, biến chủng B.1.351 có thể “né tránh” các phản ứng miễn dịch của cơ thể. Trong một nghiên cứu được công bố ngày 6-5 tại Qatar, vắc xin của Pfizer có hiệu quả 75% trong việc ngăn ngừa biến chủng này sau 2 mũi tiêm.
Biến chủng P.1 được xác định ở Brazil
Biến chủng P.1 lần đầu được ghi nhận ở 4 người tại Nhật Bản, đi từ Brazil vào ngày 2-1 và được báo cáo lên WHO vào ngày 6-1.
Biến chủng này đã được ghi nhận ở hơn 40 quốc gia trên thế giới. P.1 có khả năng lây lan nhanh gấp 2 lần so với chủng vi rút ban đầu. Theo WHO, từ ngày 4-12-2020 đến ngày 21-1, có 91% số bệnh nhân mắc Covid-19 ở khu vực Amazon của Brazil nhiễm biến chủng P.1.
P.1 chứa các đột biến E484K và K417T có khả năng trốn tránh các phản ứng kháng thể, tương tự như biến chủng B.1.351. Đây được cho là lý do khiến P.1 có thể tái lây nhiễm cho những người từng mắc Covid-19 trước đó.
Biến chủng B.1.617 được ghi nhận lần đầu ở Ấn Độ
Biến chủng B.1.617 được ghi nhận lần đầu ở Ấn Độ và đã xuất hiện ở hàng chục quốc gia khác. WHO và Anh nhận định, đây là một biến chủng đáng lo ngại bởi nó có khả năng lây lan mạnh hơn so với chủng vi rút ban đầu.
Các đột biến ở biến chủng B.1.617 bao gồm L52R, E848Q và P6814, có thể khiến vi rút dễ lây nhiễm hơn hoặc tránh các phản ứng kháng thể.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.