(HNMO) - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã có văn bản số 4813/BVHTTDL-DSVH gửi UBND thành phố Hà Nội về việc thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền Bạch Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã có văn bản số 4813/BVHTTDL-DSVH gửi UBND thành phố Hà Nội về việc thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền Bạch Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. |
Theo đó, Bộ VH,TT&DL thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền Bạch Mã, bao gồm các hạng mục: Tu bổ, tôn tạo Nghi môn, Phương đình, Tiền tế, Trung tế, Hậu cung; xây dựng lại nhà Hội đồng, nhà Mẫu (để di chuyển và bài trí lại các tượng Phật, Mẫu hiện có tại di tích), am hóa sớ, bếp - vệ sinh, sân vườn.
Tuy nhiên, văn bản cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo chủ đầu tư lưu ý một số vấn đề: Nhà Hội đồng cần được tính toán kỹ lưỡng về bài trí nội thất để xây dựng với chiều cao 1 tầng, kiến trúc mặt đứng kế thừa hình thức và các hạng mục của đền thờ.
Hồ sơ cần bổ sung, làm rõ phương án di chuyển, bảo quản hiện vật (đồ nội thất, bia đá…) trong quá trình thi công sau này; phương án bảo quản, tu bổ cấu kiện (nhất là đối với cấu kiện có chạm khắc, cấu kiện sơn thếp); phương án xây dựng móng công trình; bản vẽ chi tiết nhà bao che phục vụ thi công; căn cứ pháp lý Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18-9-2012 của Chính phủ.
Bộ VH,TT&DL có ý kiến, đồng thời đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ, công khai nội dung Dự án trước nhân dân để tạo sự đồng thuận và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành.
Đền Bạch Mã (76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một trong tứ Trấn của kinh thành Thăng Long xưa (gồm bốn ngôi đền: Đền Quán Thánh trấn giữ phía Bắc; đền Kim Liên trấn giữ phía Nam; đền Voi Phục trấn giữ phía Tây; đền Bạch Mã trấn giữ phía Đông). Đền Bạch Mã được xây dựng từ thế kỷ 9 để thờ thần Long Đỗ (Rốn Rồng) – vị thần gốc của Hà Nội Với hơn một nghìn năm lịch sử, đền Bạch Mã là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu nhất của thủ đô Hà Nội. Đền Bạch Mã là một công trình kiến trúc đẹp, điển hình như: Tam quan, phương đình, đại bái, thiêu hương, cung cấm…Tại đền hiện còn lưu giữ nhiều di vật cổ có giá trị như: Bia đá, sắc phong, kiệu thờ, hạc thờ, đôi phỗng… Hàng năm, để tưởng nhớ thần Long Đỗ, cứ đến ngày 12 và 13-2 âm lịch, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức lễ hội đền Bạch Mã với những nghi thức tế lễ cùng một số hoạt động văn hóa khác như: Hát ca trù, hát chèo, ngâm thơ, múa kiếm, múa đao… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.