Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biến chủng Omicron: Nỗi ám ảnh với kinh tế thế giới

Thùy Dương| 05/12/2021 06:54

(HNM) - Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa kịp phục hồi thì sự xuất hiện biến chủng Omicron của vi rút SARS-CoV-2 đang trở thành nỗi ám ảnh tại nhiều quốc gia. Nếu tái áp đặt các biện pháp phong tỏa, thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu hụt hàng hóa... Ngay cả với những kịch bản được xem là thuận lợi nhất, các chuyên gia kinh tế vẫn phải hạ thấp triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2022.

Chính phủ Anh đã đưa ra các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong các quán bar và nhà hàng để ngăn ngừa sự lây lan biến chủng Omicron của vi rút SARS-CoV-2.

Sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố biến chủng Omicron xuất hiện lần đầu tại Nam Phi, chủng vi rút mới này đã nhanh chóng lây lan khắp các khu vực, từ châu Phi đến châu Á - Thái Bình Dương, từ châu Âu đến châu Mỹ. Theo các chuyên gia y tế, biến chủng Omicron có thể phá vỡ hệ thống "phòng thủ" được xây dựng bằng vắc xin phòng Covid-19. WHO tuyên bố: Omicron gây ra nguy cơ toàn cầu “rất cao”. Ông chủ của Hãng dược phẩm Moderna thì cảnh báo, những mũi tiêm hiện nay có thể phải "vật lộn" để chống lại biến chủng mới.

Đối mặt với viễn cảnh khủng khiếp của việc đóng cửa biên giới như đã từng xảy ra, các nhà đầu tư lo lắng tìm cách bán tháo số cổ phần tại các hãng hàng không và chuỗi khách sạn. Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu đã giảm khoảng 10 USD/thùng. Sự sụt giảm này như một chỉ dấu cho thấy nguy cơ suy thoái kinh tế đang rình rập. Chỉ hơn 10 ngày trước, các nhà phân tích bán lẻ của Mỹ đã mong đợi một mùa “lễ hội” mua sắm bội thu, thị trường chứng khoán khởi sắc và các nhà kinh tế dự đoán tổng sản phẩm nội địa (GDP) của nước này có thể tăng tới 8% trong quý cuối cùng của năm. Tuy nhiên, những thông tin về biến chủng Omicron đã gây ra đợt bán tháo tồi tệ nhất vào thứ sáu đen tối (Black Friday) trên Phố Wall kể từ năm 1931. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng: “Sự xuất hiện của biến chủng Omicron gây ra rủi ro đối với thị trường việc làm cũng như gia tăng sự không chắc chắn đối với lạm phát. Điều này làm chậm sự tiến triển của thị trường lao động và tăng gián đoạn chuỗi cung ứng”. Còn ở Anh, ông chủ các quán bar và nhà hàng đang lo lắng khi hàng loạt cuộc điện thoại xin hủy đặt tiệc Giáng sinh. Đây là dấu hiệu ban đầu về tác động tiêu cực của vi rút đột biến này.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định, làn sóng mới của đại dịch đe dọa làm gia tăng căng thẳng đối với nền kinh tế thế giới do lạm phát luôn ở mức cao. Theo OECD, nếu biến chủng Omicron được chứng minh có khả năng lây truyền cao hơn các biến chủng khác hoặc kháng nhiều hơn với các loại vắc xin hiện có thì nó sẽ làm trầm trọng thêm sự gián đoạn đối với các chuỗi cung ứng và có nguy cơ làm tăng lạm phát trong thời gian dài.

Ông Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của OECD cho biết, có nhiều kịch bản xấu cho nền kinh tế toàn cầu khi biến chủng Omicron xuất hiện và gây ra những tác động tiêu cực. OECD đã dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại từ 5,5% trong năm nay và 4,5% vào năm 2022, tiếp theo là tăng 3,2% vào năm 2023, gần với tỷ lệ trước đại dịch.

Tương tự, ông Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng của Hãng tư vấn Oxford Economics nhận định, trong trường hợp xấu nhất, khi biến chủng Omicron chứng tỏ mức độ nguy hiểm và tăng trưởng của nhiều khu vực trên thế giới bị chậm lại, tăng trưởng năm 2022 có thể giảm xuống 2,3%, so với mức 4,5% mà Oxford Economics dự báo trước khi biến chủng này xuất hiện.

Hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định biến chủng Omicron có thực sự nguy hiểm hơn so với chủng Delta hay không. Dự kiến trong tuần tới, các nhà khoa học sẽ phân tích dữ liệu để đưa ra “bức tranh” toàn cảnh về dịch tễ học. Nhưng, dù thế nào đi nữa, mối đe dọa về một làn sóng dịch mới lại tiếp tục đeo bám và đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến chủng Omicron: Nỗi ám ảnh với kinh tế thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.