(HNM) - Trong tuần này, sự kiện được dư luận quan tâm là 13 bệnh viện (BV) tuyến trung ương ký cam kết giải quyết dứt điểm tình trạng nằm ghép trước Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) năm 2015.
Giảm tải bằng cách không cho nhập viện ồ ạt?
Quá tải BV dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo, gắn với câu chuyện về dịch sởi đã cướp đi sinh mạng của nhiều bệnh nhi - diễn ra ở BV Nhi trung ương vào năm ngoái, hiện vẫn còn là nỗi ám ảnh khôn nguôi với nhiều người. Đây là một bài học đắt giá không chỉ riêng với BV, mà với cả ngành y tế. Chính vì vậy, vấn đề giảm tải BV và giải quyết tận gốc nạn nằm ghép được coi là nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế Việt Nam.
Người dân hy vọng tình trạng nằm ghép giường tại các bệnh viện sẽ sớm chấm dứt. Ảnh: Phương Thanh |
Trong danh sách 13 BV từng diễn ra tình trạng quá tải trầm trọng, đã đặt bút ký cam kết "không để người bệnh nằm ghép" ngay trong đợt 1 (ngày 27-2), có tên BV Nhi trung ương. Ông Lê Thanh Hải - Giám đốc BV này khẳng định: BV quyết tâm giảm tải để nâng cao chất lượng điều trị. Trong 4 tháng qua, bằng nhiều biện pháp mang tính tổng thể, BV đã giải quyết được tình trạng quá tải, bệnh nhi không còn phải nằm ghép nữa.
Tuy thế, quyết tâm đáng biểu dương của một BV từng bị tiếng là quá tải trầm trọng không dễ thuyết phục những người quan tâm. Tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác khám chữa bệnh toàn quốc năm 2014, do Bộ Y tế tổ chức vào ngày 20-1-2015, tại Hà Nội, vẫn có ý kiến cho rằng, trong những ngày qua, nhiều bệnh nhân vào BV Nhi trung ương vẫn phải nằm ghép nếu không khám chữa bệnh dịch vụ. Thậm chí, để thực hiện mục tiêu giảm tải, có bệnh nhi phải chuyển sang hình thức điều trị ngoại trú, nhưng vì nhà xa nên người nhà đã phải thuê trọ ở gần cổng BV để hằng ngày tiện đưa bệnh nhân vào viện điều trị. Như vậy, có phải gánh nặng giảm tải giờ đây đã dồn lên vai bệnh nhân và người nhà của họ, nhất là người ngoại tỉnh?
Trước ý kiến trên, ông Lê Thanh Hải cho rằng, để thực hiện việc giảm tải đồng thời bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh, BV sẽ lập một "hàng rào" để sàng lọc bệnh nhân thay vì chỉ định cho nhập viện ồ ạt như trước. Nếu là bệnh nhân nặng thì sẽ cho nhập viện, bệnh nhân nhẹ sẽ được chuyển tuyến dưới; bệnh nhân cần theo dõi thêm sẽ được lưu lại BV trong khoảng từ 12 giờ đến 24 giờ, sau đó mới quyết định điều trị nội trú hay không.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Trần Quý Tường, sẽ không có chuyện bệnh nhân bị cơ sở y tế "đẩy" ra ngoài điều trị ngoại trú để BV đạt chỉ tiêu về giảm tải. Việc điều trị bệnh vẫn được bảo đảm đúng theo quy trình của Bộ Y tế. Hiện nay, ở nước ngoài, các BV cũng đang thực hiện mục tiêu giảm số giờ nội trú của bệnh nhân, tăng hiệu suất điều trị. Các bác sĩ vẫn tuân thủ quy trình điều trị, căn cứ vào diễn biến bệnh lý để quyết định cho bệnh nhân nội trú hay không.
Liệu có khả thi?
Trong năm nay, không chỉ có 13 BV ký cam kết giải quyết dứt điểm nạn nằm ghép. Tới đây, trong các dịp kỷ niệm lớn của ngành y tế và của đất nước như: Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, Ngày sinh Bác Hồ 19-5 và Quốc khánh 2-9, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức cho các BV ký cam kết, mục tiêu đặt ra là trong năm 2015 có 38 BV tuyến trung ương cam kết không để bệnh nhân phải nằm ghép. Trong bối cảnh cơ sở vật chất của ngành y còn có sự hạn chế, hành động ký cam kết giảm tải một cách quyết liệt của các BV nói trên được đánh giá là "dũng cảm". Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, đây là nỗ lực của toàn ngành, các BV đã không ngại khó khăn, vất vả, dũng cảm cam kết giảm tải trong điều kiện kinh phí vô cùng hạn hẹp. Tới đây, những hình ảnh bệnh nhân nằm, ngồi vạ vật ở hành lang BV, những đứa trẻ khóc ngặt chờ được khám bệnh "sẽ chỉ còn trong dĩ vãng".
Bệnh nhi chịu nhiều thiệt thòi nhất nếu phải nằm ghép giường. Ảnh: Phương Thanh |
Từ quyết tâm hành động đến hiệu quả thực tế có thể là một chặng đường khó khăn, đòi hỏi giải pháp phù hợp. Các BV đã ký cam kết "có gì trong tay" để thực hiện điều mà mình đã cam kết? Đặt ra câu hỏi này là bởi nhìn vào bản danh sách BV đã ký cam kết không để người bệnh nằm ghép, người ta không thấy tên BV Bạch Mai - một đơn vị được kỳ vọng đạt được mục tiêu giảm tải. Vì sao "chưa dũng cảm"? PGS.TS Đỗ Doãn Lợi - Phó Giám đốc BV Bạch Mai thừa nhận BV chưa chuẩn bị đủ cơ sở vật chất để "nói không với nạn nằm ghép". Hiện nay, BV vẫn còn 10/25 khoa như: tim mạch, ung thư, hô hấp, thận, nội tiết, thần kinh... xảy ra tình trạng quá tải.
Nằm trong danh sách "BV dũng cảm" đã ký cam kết trong đợt 1, Giám đốc BV Hữu nghị Việt - Đức Nguyễn Tiến Quyết thẳng thắn cho rằng, BV cơ bản không còn tình trạng nằm ghép nhưng vẫn có những khoa quá tải, lượng bệnh nhân điều trị đông nên đôi lúc vẫn còn cảnh nằm ghép. "Để các khoa, phòng thực hiện đúng cam kết này, chúng tôi yêu cầu những khoa quá tải chuyển bớt bệnh nhân sang khoa dưới tải. BV đề ra quy chế riêng, là các trưởng khoa sẽ bị phạt tiền, cắt thi đua nếu để xảy ra tình trạng bệnh nhân nằm ghép".
Sự khó là điều có thể hình dung được. Câu hỏi tiếp theo là liệu mục tiêu giảm tải có được thực hiện một cách nửa vời hay không, cơ quan quản lý có chế tài đối với các BV không thực hiện đúng cam kết? Về vấn đề này, ông Trần Quý Tường cho biết, từ ngày 27-2, Bộ Y tế sẽ thành lập các đoàn kiểm tra giám sát việc thực hiện cam kết của các BV. Nếu phát hiện BV không thực hiện đúng, hoặc vi phạm nội dung cam kết, bệnh nhân và người nhà có thể gọi điện phản ánh qua đường dây nóng Bộ Y tế (số điện thoại 0973306306). Cũng theo ông Trần Quý Tường, hiện chưa có chế tài phạt hay xử lý BV vi phạm cam kết. Chế tài ở đây cần được hiểu là danh dự và trách nhiệm của người đứng đầu BV. Trước mắt, Bộ Y tế sẽ đề xuất thực hiện cắt thi đua khen thưởng, thậm chí là cả phần thu nhập tăng thêm, quy trách nhiệm cụ thể đối với cán bộ lãnh đạo nếu BV vẫn để xảy ra tình trạng bệnh nhân nằm ghép.
Số BV đã ký cam kết gồm: BV Nhi trung ương, Lão khoa quốc gia, Việt - Đức, E, Da liễu trung ương, Răng Hàm Mặt trung ương, Nhiệt đới trung ương, Châm cứu trung ương, Tâm thần trung ương 1, Đa khoa trung ương Huế, Đa khoa trung ương Thái Nguyên, Việt Nam - Thụy Điển (Uông Bí) và Việt Nam - Cuba (Đồng Hới). Tùy theo khả năng của từng nơi, các BV trên cam kết thực hiện một trong số nội dung: Bảo đảm mỗi người bệnh sẽ được bố trí một giường bệnh ngay sau khi vào điều trị nội trú; bảo đảm tối đa sau 24 hoặc 48 giờ kể từ khi nhập viện, mỗi người được bố trí một giường bệnh. Trong năm 2015, Bộ Y tế dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm ít nhất 1.500 giường bệnh, trong đó, BV Hữu nghị Việt - Đức có thêm 350 giường, BV Chợ Rẫy - 200 giường, BV Phụ sản trung ương - 340 giường, BV Việt Nam - Cuba (Đồng Hới) dự kiến tăng thêm khoa Ung bướu và BV Nội tiết trung ương tăng thêm khối nhà 9 tầng tại cơ sở ở Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội). |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.