Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tồn tốt, khai thác tốt

Duy Biên| 20/09/2018 06:26

(HNM) - Di tích là di sản,


Ý thức được điều đó, trong những năm qua Hà Nội luôn là địa phương đi đầu trong việc thực thi trách nhiệm bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp di tích, phát huy giá trị của di tích trong đời sống đương đại. Sự nỗ lực, cố gắng đó được ghi nhận qua nhiều kết quả có tính thuyết phục trên các lĩnh vực nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng di tích, bảo tồn tôn tạo, phát huy giá trị di tích; khơi dậy những tiềm năng ẩn chứa trong các công trình này.

Bên cạnh đó, di tích còn phục vụ hiệu quả trong việc giáo dục kiến thức lịch sử, bồi dưỡng nhân cách, xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch; tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững của một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội là du lịch…

Nhưng thực tế phải thừa nhận rằng, công tác tu bổ, tôn tạo đến nay vẫn còn nhiều hạn chế như: Trên 50% di tích chưa được nghiên cứu đầy đủ, chưa lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích, chưa có quy hoạch tổng thể bảo tồn... Mặc dù Hà Nội đã cố gắng tối đa trong việc huy động các nguồn lực cho việc tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị di tích, nhưng so với yêu cầu vẫn chưa đáp ứng được. Hiện vẫn còn hàng trăm di tích xuống cấp nghiêm trọng chờ được “hồi sinh”, nhiều di tích đang xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Bên cạnh đó, việc triển khai quy hoạch di tích ở nhiều địa phương chưa kịp thời; công tác bảo vệ di sản nhiều nơi còn chưa tốt, nhiều di sản vẫn bị xâm hại. Thậm chí, không ít nơi khi tu bổ, tôn tạo, nâng cấp di sản theo kiểu “hiện đại hóa” đã làm mất đi tính độc đáo và giá trị vốn có của những công trình này…

Bởi vậy, việc bảo tồn và phát huy hiệu quả công tác quản lý di tích vẫn luôn là vấn đề cấp thiết đối với Thủ đô.

Muốn vậy, trước tiên phải phân cấp quản lý di sản cụ thể, xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm, đồng thời phát huy tốt nhất tính chủ động, khả năng sáng tạo của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và của nhân dân đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Cùng với đó là huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho việc bảo tồn, tôn tạo; tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân vừa là đối tượng trực tiếp tham gia bảo vệ di sản, vừa là đối tượng thụ hưởng để gắn họ vào việc gìn giữ cũng như là chủ thể phát huy thế mạnh của di sản.

Nhằm hạn chế việc làm biến dạng di tích qua hoạt động trùng tu, tôn tạo, cần nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực cho cán bộ, những người tham gia quản lý di tích; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa tới cơ sở và người trực tiếp trông coi di tích. Đặc biệt, khi trùng tu, tôn tạo di tích, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét hỗ trợ vật liệu thay thế cho chất liệu, kỹ thuật tu bổ bảo đảm sự đồng bộ nhằm kéo dài tuổi thọ công trình; có kế hoạch đào tạo thợ có kiến thức và kỹ thuật cao với những đòi hỏi đặc biệt của những công trình chuyên biệt này. Song song với đó sẽ mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo và học tập kinh nghiệm…

Để biến tiềm năng của di sản văn hóa thành nguồn lực cho phát triển bền vững, mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội cần có sự hài hòa và nên số hóa dữ liệu về di sản để phục vụ công tác quản lý và trao đổi thông tin...

Bảo tồn tốt, khai thác tốt vừa giữ được giá trị vừa đưa di sản trở thành "vàng ròng" góp phần phát triển kinh tế và xã hội của Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn tốt, khai thác tốt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.