Văn hóa

Nhiều giá trị di sản kiến trúc của Hà Nội lần đầu được công bố trong cuốn “Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt - Pháp”

Hoàng Lân 06/12/2024 - 17:34

Cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hoá Việt – Pháp” với rất nhiều tư liệu quý về kiến trúc Hà Nội đã được giới thiệu vào ngày 6-12 tại Hà Nội.

sach-kien-truc-hn.jpg
Cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hoá Việt – Pháp” giới thiệu rất nhiều tư liệu quý về kiến trúc Hà Nội. Ảnh: H.H

Đây là dự án do Tập đoàn Sun Group và Công ty cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA thực hiện. Dự án bắt đầu vào năm 2022, được thực hiện do một ban cố vấn hùng hậu về nội dung và viết tiếng Việt bởi tiến sĩ, nhà nghiên cứu, KTS Trần Quốc Bảo, hiện là giảng viên trường Đại học Xây Dựng Hà Nội và dịch sang tiếng Pháp bởi dịch giả Thẩm Yến Linh, phần hình ảnh chủ đạo do nhiếp ảnh gia Lê Hoàng thực hiện. Chủ nhiệm dự án là Trần Hải Anh, được biết đến tại Việt Nam qua cuốn truyện tranh “Sống” - nhà xuất bản Kim Đồng, 2023.

Giống như một sử ký Hà Nội được viết bằng nghệ thuật kiến trúc, cuốn sách đem đến cho độc giả cái nhìn toàn cảnh về vẻ đẹp của kiến trúc Hà Nội qua các thời kỳ, bao gồm:

Phần 1: Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội xưa;

Phần 2: Kiến trúc Hà Nội thời Pháp thuộc với những phong cách điển hình là Beaux-Arts; Art De’co; Đông Dương, Kiến trúc Pháp thuộc thời kỳ đầu; Kiến trúc Thép, Gothique

Phần 3: Kiến trúc Hà Nội sau năm 1954.

sach-kien-truc-hn-1.jpg
Các khách mời chia sẻ về quá trình thực hiện cuốn sách và giá trị thông tin mà cuốn sách mang đến. Ảnh: H.H

Đọc “Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt - Pháp”, có cảm giác đang được xem một cuốn phim về lịch sử Hà Nội ở thế kỷ XIX, XX tìm hiểu chi tiết 18 công trình kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội qua các thời kỳ, đặc biệt là các công trình thời Pháp thuộc như: Phủ Chủ tịch, Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà khách Chính phủ, Trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao, Nhà tù Hỏa Lò, Khách sạn Metropole Hanoi, Thư viện trường PTTH Chu Văn An…

Từ nền tảng cội nguồn kiến trúc Thăng Long - Hà Nội xưa ở thế kỷ XVIII, người đọc sẽ cảm nhận được sự chuyển mình hội nhập, tiếp thu nghệ thuật tinh hoa của kiến trúc phương Tây ở thời kỳ Pháp thuộc như Beaux-Arts, Art Décor, Gothique… cho đến sự giao thoa nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc thế giới với văn hóa bản địa… Độc giả sẽ thấy trong sự tráng lệ vốn là điển hình cho phong cách Beaux- Arts của Phủ Chủ tịch, lại có những họa tiết trang trí đậm chất cổ truyền Việt Nam.

Hay những công trình Art Décor điển hình như tòa nhà Ngân hàng Nhà nước cũng khéo léo được thêm nếm vào đó nét Việt tinh hoa… Những giao thoa này, dù là chấm phá, cũng đủ cho thấy văn hóa và kiến trúc Việt có giá trị và ảnh hưởng nhất định tới những kiến trúc sư và nền kiến trúc có bề dày lịch sử đáng ngưỡng mộ như kiến trúc Pháp.

Đi qua mỗi phần của cuốn sách, người đọc vừa thấy quen, vừa thấy lạ. Quen bởi những công trình đó vốn đã quá đỗi thân thuộc trong mỗi khoảnh khắc Hà Nội. Lạ vì có những chi tiết kiến trúc, những giá trị lịch sử lần đầu được biết. Nhưng sau cùng, đọng lại ở mỗi câu từ, hình ảnh trong cuốn sách là một tình yêu với Hà Nội sâu đậm.

ong-khanh-aa.jpg
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Công ty cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA phát biểu tại sự kiện. Ảnh: H.H

Chia sẻ về ý tưởng cho ra đời cuốn sách, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA cho biết: “Kiến trúc của một quốc gia là một phần văn hóa và lịch sử của quốc gia đó. Với mong muốn gìn giữ những di sản kiến trúc vô cùng quý giá do lịch sử đem lại cho Hà Nội, chúng tôi đã quyết tâm làm cuốn sách này với một cách tiếp cận và cách làm hoàn toàn mới so với những cuốn sách về kiến trúc đã có trước đó. Mục tiêu lớn nhất là lan tỏa tình yêu Hà Nội, nâng cao nhận thức của mọi người về giữ gìn những di sản văn hóa kiến trúc của Thủ đô”.

Còn theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam viết trong lời mở đầu của cuốn sách: “Với cách thể hiện cô đọng, xuyên suốt, mô tả khá rõ con đường thăng trầm đã đi qua của kiến trúc Hà Nội, cùng với năng lực và tâm can của người viết, cuốn sách này đã đạt được mục đích: Đóng góp nhành hoa quý trong vườn hoa văn hóa xứ sở ngàn năm văn hiến, góp phần hữu ích cho sự cảm nhận chuyên môn sâu sắc”.

Kiến trúc sư Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện bảo tồn Di tích Việt Nam nhận định: “Cuốn sách này đưa chúng ta đến với những di sản kiến trúc giàu giá trị trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX của Hà Nội. Chúng không chỉ đang giữ những chức năng quan trọng, là nhân tố góp phần hình thành vẻ đẹp kiến trúc, đô thị mà còn tạo nên khuôn hình vĩnh cửu của ký ức, điểm tựa vững chắc cho phát triển tương lai…”.

Cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt - Pháp” hứa hẹn không chỉ cung cấp những giá trị chuyên môn sâu sắc và giới thiệu nhiều hình ảnh quý hiếm chưa từng được công bố, mà còn được trình bày một cách hấp dẫn, dễ tiếp cận với đông đảo độc giả. Sách do nhà xuất bản Thế giới in ấn và Phanbook phát hành với định dạng bìa cứng, thiết kế ấn tượng, dày 364 trang, song ngữ Việt - Pháp, kèm theo ấn phẩm là một video ngắn về quá trình thực hiện, nghiên cứu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều giá trị di sản kiến trúc của Hà Nội lần đầu được công bố trong cuốn “Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt - Pháp”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.