Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường

Thanh Hiền| 23/12/2014 06:59

(HNM) - Dự báo, nhu cầu tiêu dùng tại Hà Nội trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2015 sẽ tăng 15-18%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tăng 20-25% so với các tháng trong năm.



Đây là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đồng thời là thời điểm kích cầu tiêu dùng trong nhân dân. Sở Công thương Hà Nội đã phối hợp cùng các ngành, các DN tập trung dự trữ và phân phối các mặt hàng thiết yếu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô.

Theo Sở Công thương Hà Nội, 13 DN tham gia chương trình bình ổn giá của thành phố đã tập trung khai thác, dự trữ và bán ra trên thị trường 7 nhóm hàng thiết yếu gồm: 4.000 tấn gạo tẻ thường; 900 tấn thịt lợn; 450 tấn thịt gà, vịt; 5,5 triệu quả trứng gia cầm; 200 tấn thủy, hải sản đông lạnh; 1.500 nghìn lít dầu ăn; 1.500 tấn rau củ, với tổng trị giá 276,75 tỷ đồng do UBND thành phố tạm ứng vốn.

Ảnh minh họa từ internet


Ngoài ra, bằng các nguồn vốn huy động khác, các DN đã chủ động dự trữ số lượng hàng gấp đôi so với số lượng hàng hóa thiết yếu giao dự trữ với số tiền lên đến 500 tỷ đồng và chủ động bình ổn giá đối với 2 nhóm hàng đường, thực phẩm chế biến để đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết Ất Mùi 2015. Tại hơn 600 điểm bán hàng bình ổn đã đăng ký, các DN đều thực hiện treo biển nhận diện phía trong và ngoài điểm bán theo mẫu quy định của UBND thành phố. Bên cạnh những điểm bán đã đăng ký, các DN còn tổ chức bán hàng bình ổn tại khoảng 1.600 điểm bán hàng là các đại lý, cửa hàng, bếp ăn khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, công ty trên địa bàn, bảo đảm chất lượng tốt, giá bán ổn định. Dự kiến, từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi, các DN sẽ triển khai hơn 100 chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng thiết yếu bình ổn giá kết hợp với các nhóm hàng khác về khu vực nông thôn, khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân 18 huyện, thị xã trên địa bàn.

Ngoài những nhóm hàng bình ổn giá, các DN đã chủ động dự trữ thêm nhiều nhóm hàng tiêu dùng khác, như bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát; các loại nông sản như măng, miến, mộc nhĩ… để đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Các DN dự kiến sản xuất, bán ra thị trường khoảng 185 triệu lít bia, 6 triệu lít rượu, hơn 30.000 tấn bánh mứt kẹo và khoảng 16,5 triệu lít sản phẩm sữa các loại phục vụ Tết, với tổng số tiền hàng dự kiến 8.500 tỷ đồng.

Để không xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết, hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn như Metro, Big C, Co.opmart, Fivimart, Intimex, Hapro, Lan Chi, Hiway… dự trữ bán ra các loại hàng thiết yếu phục vụ Tết tăng 10-15% so với các tháng trong năm, với tổng tiền hàng hơn 2.300 tỷ đồng. Tổng Công ty Lương thực miền Bắc dự trữ 1.350 tấn gạo, với số vốn được thành phố tạm ứng, đồng thời cam kết không tăng giá bán trong suốt thời gian thực hiện chương trình bình ổn giá. Các công ty chăn nuôi, giết mổ và cung ứng mặt hàng thực phẩm sạch đưa ra thị trường khoảng hơn 1.000 tấn thịt lợn, thịt bò, thịt gà sạch. Các công ty kinh doanh xăng dầu xây dựng kế hoạch chuẩn bị, dự trữ hàng hóa phục vụ thị trường Tết khoảng 12 vạn mét khối xăng dầu…

Sở Công thương đã yêu cầu các DN, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn phải bảo đảm cung ứng hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt và đáp ứng vệ sinh an toàn thực phẩm. Chủ động mở rộng mạng lưới bán hàng, hệ thống thanh toán để tạo điều kiện cho khách đến mua hàng được thuận lợi, nhanh chóng; không để khan hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao. Các DN niêm yết giá, bán đúng giá, trường hợp giá của một số loại hàng hóa trên thị trường có biến động kéo dài tối thiểu 15 ngày liên tục, với mức tăng từ 15% trở lên thì mức giá điều chỉnh bảo đảm phải thấp hơn giá thị trường 10%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.