Chính trị

Giảm tiêu chí, tăng định lượng đánh giá cải cách hành chính

Hà Vũ 05/07/2023 17:37

Chiều 5-7, trả lời chất vấn của đại biểu tại kỳ họp thứ mười hai, HĐND thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết: UBND thành phố sẽ ban hành bộ tiêu chí mới đánh giá Chỉ số cải cách hành chính các sở, ngành, quận, huyện, thị xã. 

Bảo đảm khách quan, công tâm

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, tháng 9-2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Bộ chỉ số đánh giá cải cách hành chính các sở, ngành, quận, huyện, thị xã. “Sau 2 năm thực hiện, chúng tôi nhận thấy rằng, có một số tiêu chí còn hình thức, chưa lượng hóa được kết quả, chưa đánh giá được tính hiệu quả cải cách hành chính mang lại”, ông Trần Đình Cảnh nói.

hdnd-thanh-7.jpg
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh.

Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở đã hoàn thành xây dựng dự thảo bộ tiêu chí mới; hiện nay, Dự thảo bộ tiêu chí mới đang được gửi lấy ý kiến các sở, ngành và các quận, huyện, thị xã.

Theo Dự thảo bộ tiêu chí mới, Khối các sở, ngành sẽ giảm còn 122 tiêu chí, trong đó có 93 đánh giá, 29 tiêu chí điều tra xã hội học; Khối quận, huyện, thị xã giảm còn 108 tiêu chí, trong đó 81 tiêu chí đánh giá, 27 tiêu chí điều tra xã hội học.

“Các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí mới đều mang tính định lượng cao, có căn cứ đánh giá rõ ràng, cụ thể. Sau khi bộ tiêu chí mới được ban hành, chúng tôi sẽ tổ chức phổ biến, hướng dẫn bảo đảm việc thực hiện khách quan, công tâm, sát với kết quả thực hiện nhiệm vụ”, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết.

Tập trung khắc phục các tiêu chí bị trừ điểm

Trong phiên chất vấn chiều 5-7, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi đối với Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông - Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Quy hoạch và Kiến trúc, Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa, huyện Ba Vì...

Đáng chú ý, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, trước thực tế năm 2022, Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội giảm 10 bậc so với năm 2021, Sở đã có báo cáo phân tích 10 chỉ tiêu, 142 chỉ số thành phần, đánh giá mặt được, chưa được; trên cơ sở đó, tham mưu với UBND thành phố Kế hoạch số 167, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành yêu cầu xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể. Riêng Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, trọng tâm là rút ngắn thời gian gia nhập thị trường...

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Việt (tổ Mỹ Đức) về trách nhiệm, quyết tâm cải thiện thứ hạng về chỉ số cải cách hành chính, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Tiến Thiết cho biết, cuối năm 2022, huyện đã tổ chức kiểm điểm và chỉ ra rõ nguyên nhân, hạn chế. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bao gồm trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và chất lượng cán bộ, công chức. UBND huyện đã ban hành Kế hoạch khắc phục hạn chế, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính năm 2023; đến nay, trong số 13 hạn chế, tồn tại, huyện đã chỉ đạo khắc phục xong 7 nội dung.

1b587cceece03cbe65f1.jpg
Đại biểu Nguyễn Ngọc Việt (tổ Mỹ Đức) chất vấn.

Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung thẳng thắn nhìn nhận, công tác cải cách hành chính của quận chưa đáp ứng với yêu cầu, chưa tương xứng với vị thế của quận, chậm hơn so với quận, huyện khác. Trên cơ sở nghiêm túc kiểm điểm, xác định rõ hạn chế và đề ra giải pháp, đến nay, quận đã khắc phục xong 13/14 tiêu chí bị trừ điểm năm 2022, còn 1 tiêu chí đang rà soát để khắc phục trong thời gian tới. Quận cũng đang rà soát, quyết tâm duy trì và nâng cao 150 tiêu chí còn lại.

Tuyển sinh điện tử để tránh xếp hàng 

Trả lời đại biểu Nguyễn Quang Thắng (Tổ Long Biên) về nguyên nhân xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số còn chậm so với kế hoạch, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng cho biết, về khách quan, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số là vấn đề lớn, khó, nhất là đối với Thủ đô Hà Nội - một đô thị có quy mô lớn, dữ liệu đồ sộ.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, từ năm 2022, thành phố đã tập trung chỉ đạo khắc phục vấn đề này. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND thành phố ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện tạo chuyển biến tích cực. Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch 64, trong đó có 102 nhiệm vụ giao cho các sở, ngành để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh.

“Về triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh và trung tâm điều hành IOC, sắp tới, Sở sẽ phối hợp với đối tác để cung cấp thử nghiệm 1 năm hệ thống điều hành thông minh phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết.

Trả lời đại biểu về nguyên nhân còn xảy ra tình trạng phụ huynh học sinh phải xếp hàng cả đêm để có chỗ học cho con, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương khẳng định, trên địa bàn Hà Nội không thiếu chỗ học cho học sinh. Nhưng thực tế do có một số trường được phụ huynh coi là có uy tín, tin tưởng cao, nhiều người cùng muốn đưa con em vào học nên xảy ra tình trạng xếp hàng để nộp hồ sơ như báo chí phản ánh.

“Để khắc phục tình trạng này, tới đây, Sở sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, tập trung áp dụng tuyển sinh điện tử, qua đó khắc phục tình trạng xếp hàng nêu trên”, ông Trần Thế Cương cho biết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm tiêu chí, tăng định lượng đánh giá cải cách hành chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.