Y tế

Sửa đổi Luật Dược để người dân được tiếp cận thuốc với giá cả hợp lý

Tiến Thành 16/04/2024 - 17:59

Chiều 16-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

daohonglan.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày tờ trình. Ảnh: media.quochoi.vn

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc. Trong đó, có việc bảo đảm thuốc cho phòng, chống dịch bệnh và các trường hợp cấp bách phát sinh trong thực tiễn; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động về dược, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp...

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, việc sửa đổi toàn diện Luật Dược 2016 là cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh Chính phủ chưa thể sửa đổi toàn diện ngay Luật Dược năm 2016 trong năm 2024, Thường trực Ủy ban Xã hội thống nhất chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật để giải quyết ngay một số tồn tại hiện hữu, ảnh hưởng đến việc tiếp cận thuốc của nhân dân, trong đó, tập trung sửa đổi những nội dung đã chín, đã rõ, đã được khẳng định qua thực tiễn.

nguyenthuyanh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo thẩm tra sơ bộ. Ảnh: media.quochoi.vn.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, thuốc là loại hàng hóa đặc biệt, có tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân; việc quản lý kinh doanh dược cũng tác động trực tiếp đến ngành công nghiệp dược của Việt Nam cũng như an ninh thuốc.

Tổng thể việc sửa đổi lần này tập trung đến vấn đề cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm bớt thủ tục "tiền kiểm", song chưa gắn trách nhiệm cụ thể khi chuyển từ cơ chế "tiền kiểm" sang cơ chế "hậu kiểm". Do đó, Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục lấy ý kiến sâu rộng của đối tượng chịu tác động, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương liên quan đến các nội dung của dự án Luật, nhất là nội dung mới được cập nhật, để hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật; rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trách nhiệm các bộ, ngành liên quan...

ubtvqh4.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn.

Cho ý kiến tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đa số thuốc thông thường Việt Nam sản xuất được nhưng 90% nguyên liệu để sản xuất phải nhập khẩu. Trong khi đó, thuốc đặc trị, thiết yếu vẫn phải nhập khẩu. Do đó, việc phát triển ngành dược vừa là phát triển kinh tế, đồng thời liên quan đến chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, cần phải được quan tâm đặc biệt và có chính sách để thúc đẩy.

Từ lý do nêu trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Y tế, Ủy ban Xã hội của Quốc hội rà soát lại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để luật hóa một số chính sách nhằm thúc đẩy ngành dược phát triển.

“Biểu thuế nhập khẩu thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ nhiều, trong khi một số nguyên liệu cho sản xuất thuốc phải nhập. Nếu giá nhập khẩu nguyên liệu cao, giá thành thuốc sản xuất trong nước sẽ đắt, người dân sẽ phải mua đắt, khả năng cạnh tranh sẽ kém. Nên chăng có chính sách nghiên cứu bổ sung giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc; có chính sách ưu đãi để giảm giá thành”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cần có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất dược công nghệ cao thông qua các quy định cho phép các thuốc này có lộ trình giảm giá thuốc, tăng tỷ lệ trích quỹ nghiên cứu phát triển đối với các doanh nghiệp dược đầu tư và nghiên cứu phát triển thuốc mới; thúc đẩy liên doanh, hợp tác với nước ngoài thành lập chuỗi, đặc biệt là hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cần có cơ chế mua sắm thuốc phù hợp với thuốc phát minh, sản xuất trong nước; chú trọng áp dụng cơ chế tăng giá theo mức độ thực hiện chuyển giao công nghệ phù hợp với kịch bản, lộ trình giảm giá theo số lượng giá trị thuốc phát sinh tại Việt Nam; cập nhật, bổ sung danh mục sản phẩm công nghệ cao đối với sản phẩm thuốc phát minh, vắc xin đa giá…

Đồng thời, nên có những trung tâm nghiên cứu và phát triển ngành dược theo quy mô quốc gia do ngành Y tế làm chủ, chủ trì. Đây chính là thể hiện sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước để tạo ra những phát minh, sáng chế cho ngành dược.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi Luật Dược để người dân được tiếp cận thuốc với giá cả hợp lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.