(HNMO) - Morocco
Niềm tự hào của Walid Regragui
Regragui là huấn luyện viên trưởng người Morocco, chỉ nhậm chức 2 tháng trước ngày trái bóng World Cup bắt đầu lăn. Ông ngồi vào chiếc ghế này với vai trò một người hàn gắn vết thương hơn là hướng đến thành tích cao siêu.
Huấn luyện viên Halilhodzic giúp Morocco vượt qua vòng loại, nhưng cách thiết quân luật của ông già người Nam Tư cũ khiến hàng loạt trụ cột trở nên bất mãn và tuyên bố rời đội tuyển. Liên đoàn bóng đá Morocco trong nỗ lực cứu vãn tình hình đã nói không với một loạt hồ sơ ngoại tên tuổi như Laurent Blanc, Villas-Boas… để chọn một người gần gũi hơn với các cầu thủ - Regragui.
Regragui được dựng lên, kéo theo các ngôi sao lớn nhất trở về, trong đó có Hakim Ziyech, Achraf Hakimi. Họ chính là xương sống trong một tập thể Morocco đoàn kết và ý chí, không nề hà chơi một thứ chiến thuật khắc khổ bằng niềm cảm hứng dạt dào.
Cho đến thời điểm này, Morocco là đội bất bại tại World Cup 2022. Regragui có thể tự hào với lựa chọn của ông về kế sách, luôn là đội “cửa dưới”, cầm bóng ít hoặc thậm chí không cầm bóng, nhưng chung cuộc vẫn giành kết quả khả quan.
Morocco “bỏ túi” trọn vẹn cả bán đảo Iberia theo cùng một ý tưởng: Cho đối phương trái bóng, nhưng để họ không biết làm gì với nó. Tây Ban Nha chuyền hơn 1.000 đường bóng trong suốt 2 hiệp chính và 2 hiệp phụ nhưng không có lấy một pha dứt điểm chất lượng, rồi thua loạt luân lưu mà chẳng ghi nổi một bàn nào. Bồ Đào Nha cũng giữ bóng đến 73% thời lượng, nhưng rồi người có bàn duy nhất lại là Morocco.
Đội bóng Bắc Phi đang vận hành thứ bóng đá phòng thủ triệt để, nhưng nhìn vào họ, người ta không thấy sự tiêu cực. Đó là bởi cách chơi phòng thủ đã đạt đến một trình độ khoa học, và người chơi phòng thủ cũng sở hữu hàm lượng kỹ thuật rất cao. Morocco giữ đội hình lùi sâu, nhiều lớp, nhưng không chịu trận. Họ luôn biết cách giảm áp lực bằng những pha giải vây ở biên, nơi có những cầu thủ tốc độ và khéo léo, chiếm không gian thật nhanh bằng những cú vẩy má ngoài…
Nhìn đội hình Morocco di chuyển, dễ thấy họ giống một đàn linh dương vừa đồng điệu, vừa uyển chuyển. Những kẽ hở rất ít lộ ra, mà trong những tình huống nguy nan, họ lại có một thủ thành đang đạt phong độ kinh ngạc - Bounou. Bounou không chỉ bắt penalty cừ khôi, anh còn là người có phản xạ và khả năng làm chủ vòng cấm hoàn hảo.
Và triết lý của Deschamp
Nếu Morocco là đỉnh cao của phòng thủ thì Pháp đang sở hữu sức mạnh tấn công vũ bão. Điều may mắn cho huấn luyện viên Didier Deschamp là ông có quá nhiều mũi nhọn, để khi người này bị phong tỏa, lập tức có người khác thế vai tỏa sáng.
Với Ba Lan, Kylian Mbappe là nỗi kinh hoàng với cú đúp sút như trời giáng. Tuyển Anh nghiên cứu Mbappe 2 năm ròng rã, họ tạm thành công khi khóa được họng súng này, nhưng rồi vẫn bị đánh bại bởi Tchouameni và Giroud. Công thức làm chủ trận đấu của người Pháp không cố định ở một vị trí nào, bởi bên cạnh những cái tên quá chất lượng vừa nêu, còn có Griezmann, Dembele, Rabiot cũng đều là những cá nhân toàn diện.
Người Pháp không giống Tây Ban Nha (gần như không có tiền đạo mũi nhọn nào) hay Bồ Đào Nha (đơn điệu với Ramos hoặc Ronaldo chơi khá xa hàng tiền vệ). Deschamp là một chuyên gia thu hồi bóng kiêm phát động tấn công ở thời đại của ông, nên Pháp dàn xếp các đợt lên bóng bằng sự linh hoạt cao nhất. Khi thì Mbappe đẩy tốc độ lên để tìm khoảng trống, khi thì Dembele đột ngột bó vào trong như một tiền đạo thứ 3. Nếu đối phương bắt người khu vực, Deschamp sẵn sàng tăng cường nhân lực đột phá xuống đáy biên với Hernandez, hay tận dụng những đường chuyền điểm rơi sau lưng hàng thủ của Griezmann… Sút xa cũng là một giải pháp khai thông bế tắc, mà Tchouameni hay Rabiot có năng lực để làm điều đó.
Bởi thế, trong tất cả các trận đã qua, Pháp chơi áp đặt nhưng không vội vã. Cách di chuyển không bóng của họ không cần quá phức tạp, nhưng vẫn tạo ra đủ “đất” cho các đường chuyền. Hãy xem cách Giroud bật cao ghi bàn giữa 3 hậu vệ Anh, đó là minh chứng thuyết phục nhất cho triết lý Deschamp: Không cần chuyền nhiều, nhưng chính xác.
Người Pháp tối giản trong tấn công, người Morocco tối ưu trong phòng thủ. Khi Mbappe lên bóng, anh sẽ vấp phải Hakimi - người đồng đội của mình ở PSG. Khi Griezmann đóng vai một số 10 ảo, anh sẽ đối đầu với Amrabat - một tiền vệ đánh chặn toàn năng. Nếu Pháp có chuyên gia không chiến Giroud thì Morocco cũng chẳng ngại ngần mà giới thiệu En-Nesyri, tác giả pha bật cao 2.78m phá kỷ lục của Ronaldo để ghi bàn vào lưới Bồ Đào Nha.
Morocco có thể sẽ tạo bất ngờ khi tiếp cận trận đấu bằng lối chơi tấn công phủ đầu, sau đó quay trở lại thế phòng ngự áo giáp quen thuộc. Sẽ thật lý tưởng cho họ nếu ghi được bàn thắng sớm, tuy nhiên, kịch bản đó không dễ xảy ra. Pháp sẽ cố gắng giải quyết trận đấu trong thời gian chính thức, nếu phải kéo dài đến hiệp phụ hoặc loạt sút phạt đền, Morocco mới là những người có lợi.
Dự đoán: Pháp vào chung kết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.