Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài toán "điểm" và "diện"

Dục Tú| 18/03/2018 07:21

(HNM) - Xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng là một việc khó, cần có thời gian, không chỉ với Hà Nội hay một đô thị lớn nào khác ở Việt Nam, mà ngay cả với các thành phố trên thế giới cũng vậy.


Hà Nội đang đi trên con đường đó, quyết tâm hơn bao giờ hết sau những băn khoăn kéo dài bởi kế hoạch, giải pháp được đề ra trước đây chưa đem lại hiệu quả cần thiết. Chương trình 04/CT-TU về “Phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2016-2020”, được Thành ủy Hà Nội ban hành vào ngày 26-4-2016, là văn bản định hướng mang tính tổng thể, “chạm” tới tất cả những vấn đề liên quan tới phát triển con người, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.

Từ văn bản chỉ đạo đó, UBND TP Hà Nội xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện từng vấn đề được nêu trong Chương trình 04, trong đó, liên quan tới mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thành phố đã quyết định thực hiện Đề án xây dựng Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội.

Kể từ khi UBND thành phố ra quyết định ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội - ngày 10-3-2017, đến nay đã được hơn một năm. Tính đúng đắn đã rõ, hiệu quả bước đầu là điều có thể nhận ra - đặc biệt là về hiệu quả tuyên truyền, vận động nhằm làm lan tỏa nội dung, sự cần thiết phải thực hiện các quy tắc về ứng xử đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân, như đánh giá của cơ quan quản lý văn hóa là “bước đầu đã dần hình thành chuẩn mực văn hóa, lời nói, hành động, hành vi của tổ chức, cá nhân tại nơi công cộng, ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của đất nước và Thủ đô”.

Nhưng kết quả bền vững không đến ngay được sau một năm triển khai thực hiện các quy tắc ứng xử. Thực tế, biểu hiện ứng xử, hành vi trái với chuẩn mực vẫn có thể thấy ở mọi nơi, không chỉ ở khu vực tổ chức lễ hội, trong các điểm thờ tự hay hoạt động kinh doanh thường nhật, mà còn xuất hiện trong trường học, ở khu dân cư, trên đường phố… Sự hạn chế đặt ra bài toán về "điểm" và "diện" - một mặt, cần duy trì triển khai vận động, tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử trên diện rộng; mặt khác, xác định điểm đột phá nhằm giải quyết dứt điểm từng nội dung một, qua đó tạo nền tảng và lực đẩy mạnh mẽ hơn cho việc thực hiện quy tắc.

Văn hóa học đường, văn hóa giao thông, thói quen tuân thủ Quy tắc ứng xử tại khu dân cư…, một trong số mặt công tác đó có thể được chọn, tập trung thực hiện đầu tiên. Đó là điều quan trọng bởi một khi lề lối ứng xử ở khu vực trường học được thiết lập, tức là Hà Nội có một "lớp người mới" quen với phong cách ứng xử văn minh; khi người dân được uốn nắn hành vi tại nơi cư trú đến nơi đến chốn thì biểu hiện "lệch chuẩn" khi ra đường sẽ được hạn chế… Nếp sống văn minh nơi công cộng chỉ được duy trì khi từng cá nhân tham gia vào không gian chung “nằm lòng” bài học ứng xử từ trước đó.

Hà Nội đã có định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đã xác định kế hoạch, mục tiêu, giải pháp cơ bản nhằm xây dựng con người thanh lịch, văn minh. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào tính sáng tạo, sự quyết liệt, tinh thần kiên trì, bền bỉ trong triển khai thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài toán "điểm" và "diện"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.