Văn hóa

Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”Loanh quanh Hà Nội tìm Hà Nội

Nguyễn Công 10/09/2024 17:30

Từ xưa tới nay, có biết bao văn sĩ đã thả tâm hồn “đi tìm Hà Nội”. Và rồi, biết bao áng văn hay về Hà Nội đã ra đời. Nhưng sự hay kia cũng có “ba bảy đường”. Hà Nội thì cứ lặng lẽ đẹp những vẻ đẹp “đầy bí ẩn” với bao lớp trầm tích văn hóa của một thành phố nghìn năm tuổi.

Tôi có người bạn thân, là nhà phê bình văn chương “gạo cội”, từng là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, sống giữa đất Hà thành non nửa thế kỷ. Mỗi khi tôi hỏi: "Sao bác không viết một cái gì về Hà Nội”, ông lắc đầu, chép miệng: "Mình không dám viết về Hà Nội, vì rất khó “chạm” đến Hà Nội". Một người như thế mà trả lời như thế! Đủ biết, viết một cái gì cho ra "chất Hà Nội", thật khó lắm thay!

Biết là khó, nhưng mỗi độ thu về như trời đất hôm nay, lòng tôi cứ nao nao muốn “đưa bút” loanh quanh Hà Nội tìm một "chút Hà Nội” cho mình. “Chút Hà Nội” là gì ư? Lẽ đương nhiên là những “chút” đẹp của trời đất Hà Nội và là “chút” đẹp của những gì nằm trong cách gọi rất quen thuộc của một cụm từ có vẻ “đao to búa lớn” nhưng rất khó tìm cụm từ nào khác thay thế: “Văn hóa Hà thành”. Gặp “chút” nào thì lượm nhặt “chút” ấy, không sắp xếp, không định trước, miễn là đẹp, đẹp của Hà Nội và đẹp cho lòng mình.

Hà Nội bình dị đó thôi. Cốc bia hơi, bát phở, bát bún ốc, quả sấu, quả hồng, gói cốm... theo mùa. Mọi thứ gần gũi, thực một cách “sát sạt” với đời sống hằng ngày của ta, mà sao mỗi thứ lại như gợi lên một “bầu trời” xa xăm riêng của nó. Đụng vào mỗi thứ của Hà Nội như vừa nói là ta như nghe “tiếng ngày xưa vọng nói về”. Sờ được vào cái bánh cốm Hà Nội nhưng khó mà chộp bắt cái hương hạt lúa non, cái hương của cả non nước, trời thu đất Bắc mà người Hà Nội - bằng một cách thần tình đã gửi vào trong đó. Ăn một bát phở ngon Hà Nội, thật khó mà đoán định cái mùi hương phở lan tỏa ngạt ngào trong góc phố mùa đông kia bắt nguồn từ đâu? Mùi hương phở cứ như bay ra từ trong sương khói câu văn của những Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân..., để phở nối cái “nghìn xưa” của phở đến “nghìn sau”. Tìm nét đẹp “tinh anh” văn hóa Hà Nội, chỉ cần “thô thiển” một chút là chẳng khác nào “chộp bắt tia nắng mặt trời”(chữ của L. Tolstoy). Làm cách nào để “chạm” được vào “hồn” Hà Nội? Câu hỏi ngày nào vẫn còn nguyên vẹn, thách thức bao “người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố”.

Vẻ đẹp Hà Nội luôn ẩn chứa sự hấp dẫn kỳ lạ và khó nắm bắt. Ảnh: Shutterstock
Vẻ đẹp Hà Nội luôn ẩn chứa sự hấp dẫn kỳ lạ và khó nắm bắt. Ảnh: Shutterstock

Hà Nội là một đề tài chưa bao giờ có thể “tát cạn” của nhà khoa học, nhà lịch sử, nhà văn hóa, nhà nghệ thuật... Văn hóa người Hà Nội nằm trong chiều dài lịch sử Thăng Long. Văn hóa người Hà Nội gửi trong nghìn năm văn vật Hà Nội. Văn hóa người Hà Nội cũng ẩn ngay trong những sự vật, sự việc, sinh hoạt thường ngày trước mắt ta...

Tôi đã tìm thấy cả một phong độ tự tại của người Hà Nội nơi cụ bà tóc bạc bán chè chén ở góc phố Tràng Thi. “Phong độ văn hóa” ấy hóa thân trong cái cách bà cụ pha trà, cái dáng khoan thai đợi trà ngấm, cái cách tráng chén, rót trà rất đều tay, cái cách bà cụ cẩn thận gập tư chiếc khăn thấm màu đất, màu trà cũ kỹ đã được giặt phơi thật sạch sẽ, rồi đặt chén trà nóng lên đó mà xoay nhè nhẹ cho sạch chút nước lỡ còn vương sót trước khi đưa vào tay khách.

Thật khó “chạm” vào sâu thẳm tâm hồn Hà Nội, nhưng vẻ đẹp của Hà Nội gắn với từng mốc lịch sử trên mỗi chặng đường dân tộc thì luôn hiện lên thật rõ. Năm nay, Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Bảy mươi năm đã là cả một đời người. Nhưng tất cả vẫn còn tươi rói. Người Hà Nội kháng Pháp, người Hà Nội tiếp quản Thủ đô, người Hà Nội đánh Mỹ - với 12 ngày đêm tháng 12-1972 rực lửa, người Hà Nội trụ vững trong thời bao cấp, người Hà Nội trong thời kinh tế thị trường.

Tìm vẻ đẹp của Hà Nội Ngày Giải phóng Thủ đô, hãy để cho con người trở về xúc cảm phố phường rợp cờ hoa. Bảy mươi năm, hình ảnh của đoàn quân giải phóng vẫn sừng sững, uy nghi, đầy hào khí chiến thắng như đang nhịp bước giữa lòng Hà Nội bên những bó hoa của người dân Thủ đô đón chào tươi thắm, những nụ cười rạng rỡ mừng vui. Những ngày đẹp đẽ tuyệt vời đó tô đậm thêm bề dày truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của người Hà Nội trong truyền thống bốn nghìn năm giữ nước Việt Nam. Niềm tự hào ấy không bao giờ phôi pha.

Đọc lại mấy câu thơ của Nguyễn Đình Thi, ngâm lên một chút khúc “Ngày về” của nhà thơ Chính Hữu ta gặp lại những chàng trai Hà Nội rất đỗi hào hoa, lãng mạn mà cũng rất đỗi hào hùng, dũng cảm, bước chân dứt khoát, lên đường theo kháng chiến. Ai có thể quên được những ban mai: “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” ("Đất nước" - Nguyễn Đình Thi). Tiêu thổ kháng chiến, chặn đường, tiêu diệt giặc Pháp, cả Hà Nội đã “ầm ầm rung”, cả “Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời”. Người ra đi đầy hùng tâm, tráng chí, cảm hứng dạt dào. “Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa/ Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng/ Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/ Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm/ Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/ Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa/ Mái đầu xanh thề mãi đến khi già/ Phơi nắng gió, và hoa ngàn cỏ dại/ Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội/ Trở về, trở về, chiếm lại quê hương/ Nguy nga sao cái buổi lên đường/ Súng chuốt gươm lan, mắt ngời sáng quắc”("Ngày về" - Chính Hữu).

Những ngày này, người Hà Nội muốn tìm lại bóng dáng cha anh trong âm vang những khúc nhạc hào hùng, muốn “lắng hồn núi sông ngàn năm” trong những bài ca bất diệt, như: “Giải phóng Điện Biên” của Đỗ Nhuận, “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao, “Hà Nội yêu dấu” của Hoàng Cầm, “Hà Nội giải phóng” của Nguyễn Văn Quỳ, “Về Thủ đô” của Tô Vũ, “Thủ đô vui đón các anh” của Anh Vũ, “Đêm trăng nhớ Hà Nội” của Nguyễn Đức Toàn, “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi. . .

Loanh quanh Hà Nội, dừng chân nhấp một ngụm trà sen bên bờ hồ Hoàn Kiếm, ngắm áng mây trời soi đáy nước Hồ Gươm, tôi ngẫm nhiều về lời Đại tá Dương Niết (sinh năm 1934, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca, tham gia tiếp quản Thủ đô) từng chia sẻ trên báo chí: “Trở về Thủ đô, chúng tôi cảm nhận rất rõ khát khao hòa bình, tự do của người dân được vỡ òa trong niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ bến. Thật đáng tự hào và chẳng còn gì vinh quang, hạnh phúc hơn... Tôi mong rằng, âm hưởng của bản hùng ca Hà Nội chiến đấu và chiến thắng vẫn luôn vang vọng tới mọi thế hệ, nhất là những thế hệ trẻ để họ tiếp nối truyền thống đầy tự hào của cha ông, xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp, hiện đại”. Trong cái âm vang chiến thắng như lời ấy đã chứa bao nhiêu máu và nước mắt của lớp lớp người Hà Nội.

Bảy mươi năm trôi qua, Hà Nội đã có nhiều thay đổi với thật nhiều cái mới, nét mới và thật giàu sức sống. Hà Nội đang gieo vào lòng người niềm tin và hy vọng về một tương lai ngày càng rạng rỡ ở phía trước./.

logo-dien-tu-moi-02.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” Loanh quanh Hà Nội tìm Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.