Đô thị

Bài tham dự cuộc thi viết: “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”Nỗ lực vì một Hà Nội “đẹp từng centimet”

Hoàng Quyên - Hoàng Trà 07/09/2024 - 20:59

70 năm sau Ngày Giải phóng, diện mạo Thủ đô Hà Nội đã thay đổi nhanh chóng, mà rõ nét nhất, đáng kể nhất có lẽ là lĩnh vực giao thông.

Và một điều thú vị là hệ thống “huyết mạch” với hơn 23,4 nghìn km đường bộ cùng hệ thống đường sắt đô thị hiện đại đang dần thành hình, không chỉ minh chứng cho thành tựu phát triển của Thủ đô, mà còn là không gian tuyệt vời cho sáng tạo văn hóa. Đặc biệt, từ khi Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, không gian sáng tạo đường phố càng phát huy được vai trò truyền cảm hứng, thúc đẩy tinh thần sáng tạo trong cộng đồng.

Bài 1: Người Hà Nội và tâm thức phố

Với người Hà Nội, phố - đường không chỉ có chức năng giao thông, mà còn là nơi chốn để họ đối thoại với đời sống. Cũng vì vậy, người Hà Nội xưa nay luôn để tâm vào việc làm “sạch nhà, sạch phố”. Với mong muốn làm cho Hà Nội đẹp từng centimet, nhiều sáng tạo đã được thực hiện ngay trên không gian đường phố hôm nay. Từ những con phố cổ, phố cũ đến những tuyến đại lộ, đường sắt trên cao, đường tàu điện ngầm… đều có thể trở thành không gian sáng tạo vì một tình yêu Hà Nội.

Phố, đường - “hơi thở” của Hà Nội

Hà Nội là đất Kẻ Chợ, nơi phố và chợ hòa quyện vào làm một. Khác với làng, người dân phố thị từ xa xưa đã bám vào “thị”, vào “phố” mà sống. Phố là nơi để giao thương, đối thoại với cuộc sống, là nơi thị dân dành phần lớn thời gian sinh hoạt trong ngày. Và cái “tinh thần phố” ấy đã góp phần kiến tạo nên bản sắc của Thăng Long - Kẻ Chợ.

Trong lời tựa cuốn “Phố và đường Hà Nội” (NXB Giao thông vận tải, 2010) của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, nhà sử học Lê Văn Lan đã khẳng định: “Phố đã thành và là một thực thể hữu cơ đặc trưng, biểu trưng, của diện mạo, cấu trúc, đời sống và tâm hồn ở đô thành Hà Nội, ngay từ thuở còn là kinh đô Thăng Long, đời Lý, đời Trần, cả đường, cả ngõ nữa, cũng thế”.

goc-pho-hang-buom.jpeg
pho-hang-ngang-anh-tu-lieu.jpeg
pho-hang-than-1951-anh-tu-lieu.jpeg
pho-hang-bong-anh-tu-lieu.jpeg
Đường phố Hà Nội xưa. Ảnh tư liệu

Trong đời sống tinh thần của người Hà Nội hiện nay, phố - đường vẫn luôn giữ một vị trí quan trọng. Đó là nơi mang đến ấn tượng đầu tiên khi ta đặt chân tới thành phố, là nơi ta bắt gặp những phận người, cảm nhận hơi thở đời sống, là nơi mang đến những trải nghiệm chân thực nhất, rõ ràng nhất về thành phố...

Đường, phố Hà Nội đã đi vào thi ca với chất riêng không thể trộn lẫn. Đó là “những con đê thành lối xe”, là phố Quang Trung, đường Nguyễn Du “những đêm hoa sữa thơm nồng” trong ca khúc của Hoàng Hiệp, là những con đường “thơm bước chân qua” trong nhạc Trịnh Công Sơn, hay “con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ” trong ấn tượng của Phú Quang…

Yêu và gắn bó với phố, người Hà Nội xưa nay luôn có ý thức làm đẹp phố. Nhiều tài liệu cả văn bản lẫn tranh, ảnh đều cho thấy, vào mỗi dịp lễ tết, hội hè, phía trước nhà, ngoài ngõ, phố Hà Nội xưa đều được người dân dụng công trang trí bằng nhiều hình thức như trồng hoa, treo phướn, cờ, đèn đuốc... rực rỡ.

Trong cuốn “An Nam phong tục sách”, tác giả Mai Viên Đoàn Triển (1854 - 1919) có đề cập đến phong tục trang trí nhà cửa và khu vực phía ngoài nhà của người Việt ở Đồng bằng Bắc Bộ nói chung vào dịp Tết Nguyên đán: “Phần nhiều người ta dùng giấy đỏ, giấy vàng, viết đại tự, đối liên dán vào vách tường (...) Sau ngày tất niên, người ta đốt pháo giăng đèn, rất là náo nhiệt. Đến cả người nghèo khó cũng cố mà theo tục lệ ngày Tết”.

vuon-hoa-con-coc.jpeg
Vườn hoa Con Cóc. Ảnh tư liệu
tau-dien-hn-xua.jpeg
Tàu điện Hà Nội xưa. Ảnh tư liệu

Giáo sư, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính trong bài viết “Phố trong tiến hóa đô thị” (in trong cuốn “Văn hóa kiến trúc”, NXB Tri thức, 2012) cho biết: “Cho đến cuối thế kỷ XIX, đường phố ở ngay cả Hà Nội, chưa lát gạch và đá, chưa phủ lớp nhựa đường. Vỉa hè cũng chưa thấy có”. Tuy nhiên, từ thời Pháp thuộc, cùng với sự du nhập của văn minh phương Tây, chính quyền thực dân rất chú trọng việc quy hoạch các đường phố theo kiểu cách phương Tây, với những vườn hoa, quảng trường, khu vực công cộng.

Trong cuốn “Phố và đường Hà Nội”, nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc đã liệt kê nhiều vườn hoa do người Pháp xây dựng như vườn hoa Chí Linh, một trong những vườn hoa xuất hiện sớm nhất tại Hà Nội (năm 1886); vườn hoa Nayret (nay thường gọi là vườn hoa Cửa Nam), vườn hoa Gambetta (vườn hoa Bình Than)...

70 năm sau Ngày Giải phóng, diện mạo Thủ đô đã thay đổi theo hướng khang trang, hiện đại, đặc biệt là đường phố không ngừng phát triển về số lượng, thay đổi về diện mạo. Việc trang trí, chỉnh trang đường phố được thực hiện thường xuyên. Bên cạnh trang trí bằng cây, hoa, đèn, biểu tượng, các cụm tượng đài…, những năm gần đây, đường phố còn trở thành không gian sáng tạo nghệ thuật, mang dấu ấn của thời đại mới.

Không gian tiềm năng cho sáng tạo

Năm 1979, khi nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc soạn bộ sách nhan đề “Đường phố Hà Nội” thì toàn nội thành khi đó mới chỉ có 371 đơn vị đường phố, quảng trường, công viên. Đến năm 2003 là 601 đơn vị, tăng 230 đơn vị trong vòng 25 năm (từ 1979 - 2003). Cùng với việc mở rộng địa giới Thủ đô và sự phát triển kinh tế vượt bậc, số lượng những tuyến đường mới mở đã tăng lên nhanh chóng.

Theo thống kê, đến hết năm 2023, Hà Nội có 1.390 đại lộ, đường, phố, ngõ và công trình công cộng được đặt tên. Tháng 7-2024, HĐND thành phố thông qua Nghị quyết về việc đặt tên 22 tuyến đường, phố mới… Bên cạnh đó, Hà Nội còn có hệ thống 587 cầu, hầm, trong đó có 75 cầu vượt cho người đi bộ, đáng kể là hệ thống đường sắt đô thị (metro) với hệ thống nhà ga hiện đại trên cao và dưới lòng đất đang dần thành hình... Đây thực sự là không gian tiềm năng cho các hoạt động sáng tạo, làm đẹp cảnh quan đô thị.

Tháng 10-2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Từ đây, không gian đường phố cũng được nhìn nhận là một không gian sáng tạo. Ngày càng có nhiều nghệ sĩ “thử sức” với các loại hình nghệ thuật đường phố. Từ một con đường mang dấu ấn sáng tạo là “con đường gốm sứ sông Hồng” (hoàn thành dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội), giờ đây, Hà Nội đã có nhiều cung đường, tuyến phố trở thành không gian sáng tạo như: Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, không gian phố đi bộ Trịnh Công Sơn, không gian bích họa Phùng Hưng, không gian nghệ thuật Phúc Tân, không gian văn hóa trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật… Và chắc chắn rằng, thời gian tới, sẽ còn nhiều hơn những con đường sáng tạo như vậy.

Sinh ra, lớn lên tại phố cổ Hà Nội, cũng là người đã góp công kiến tạo nhiều công trình hạ tầng giao thông, không gian công cộng trở thành không gian sáng tạo, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nhận định: “Hà Nội là một thành phố giàu truyền thống văn hóa, lịch sử với các lớp trầm tích thời gian, một lợi thế mà không nhiều thành phố có được. Chúng ta cần mở rộng khái niệm di sản văn hóa để có thể khơi thông và mở rộng các nguồn lực”. Việc mở rộng không gian sáng tạo ra những tuyến phố, cung đường chính là một cách mà những người yêu Hà Nội tha thiết muốn hành động vì một Thủ đô "đẹp từng centimet", đồng thời góp phần phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô.

Như Giáo sư, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, người có nhiều nghiên cứu về phố Hà Nội từng khẳng định: Sức sống và cái riêng, không dễ lẫn lộn của đô thị Việt Nam chính là ở những con phố. Ở Hà Nội hôm nay, những dấu ấn tinh thần của thời đại mới cũng đang ghi dấu trên những con đường, cả những khu phố cổ, phố cũ lẫn những con đường mới hiện đại.

(Còn nữa)

logo-dien-tu-moi-02.jpg
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự cuộc thi viết: “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” Nỗ lực vì một Hà Nội “đẹp từng centimet”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.