Văn hóa

Bài tham dự cuộc thi viết: “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”Một đời với Hà Nội…

Phạm Hồng Tuyến 09/09/2024 18:48

Đó là một ngày tháng Giêng năm 1930, trên tầng 2 nhà thương phố Hàng Trống, học giả Phạm Quỳnh, chủ bút Nam Phong tạp chí, bồn chồn, sốt ruột đi lại trước cửa phòng hộ sinh.

Đột nhiên, cánh cửa phòng hộ sinh bật mở: "Xin chúc mừng tiên sinh! Ông bà đã có một bé trai!". Vậy là người con thứ 9, cũng là con trai thứ 4 của học giả Phạm Quỳnh đã đến với cuộc đời. Ông đặt tên con là Phạm Tuyên.

Năm Phạm Tuyên 3 tuổi, cả gia đình rời Hà Nội vào kinh đô Huế. Tuy sống trên đất Huế nhưng trong gia đình vẫn giữ tiếng nói, nếp ăn, nếp ở Hà Nội. Có năng khiếu âm nhạc thiên bẩm, lên 9 tuổi, Phạm Tuyên đã tập viết nhạc. Thấy người ta viết bản “Sóng Danube”, cậu cũng sáng tác ngay bản “Sóng sông Hương” rồi gửi ra nhà xuất bản ở Hà Nội. Ai dè, nhà xuất bản cử người vào Huế, ngỏ ý muốn gặp trao đổi, cậu bé ngượng quá trốn biệt.

Thế rồi năm 1945, gia đình gặp biến cố. Phạm Tuyên rời Huế về lại Hà Nội, nơi nhà người chị lớn vẫn đang sống ở phố Hàng Da. Cũng từ đây, cậu một thân một mình bước vào đời. Cậu tự ôn thi và trở thành một trong ba người đỗ Tú tài toàn miền Bắc, rồi lặn lội lên chiến khu Việt Bắc để học Pháp lý. Khi trường giải tán do bị giặc Pháp ném bom, chàng thanh niên Phạm Tuyên chuyển sang Trường Lục quân khóa 5 - khóa Tổng phản công, sau khi tốt nghiệp, trở thành Đại đội trưởng Thiếu sinh quân, sang Quế Lâm rồi đến Nam Ninh (Trung Quốc) làm giáo viên Văn - Thể - Mỹ ở Khu học xá Trung ương và bắt đầu có những sáng tác âm nhạc đầu tiên được công chúng biết đến.

img_1880.jpeg
Nhạc sĩ Phạm Tuyên thời trai trẻ tham gia cách mạng. Ảnh: Nhacsiphamtuyen.vn

Trong những năm tháng xa quê hương, nhạc sĩ Phạm Tuyên luôn ngóng trông về Hà Nội, nơi mẹ cùng anh chị em của ông vẫn sống ở đó. Ngày 10-10-1954, Hà Nội được tiếp quản, tin tức lan sang Khu học xá khiến người thầy giáo trẻ khấp khởi vui mừng, vậy là cuộc đoàn tụ cùng gia đình sắp trở thành hiện thực.

Và dịp may đã đến, năm 1955, ông cùng đoàn văn công Khu học xá về Hà Nội, vào Phủ Chủ tịch biểu diễn cho Bác Hồ xem. Chuyến đi này có cả người con gái ông yêu (sau này là bạn đời của ông trong suốt hơn 50 năm) và ông kịp ghé thăm người thân, nhưng đó cũng là lúc ông biết tin đau lòng: Người mẹ kính yêu của ông đã rời cõi tạm được 2 năm. Lúc ấy, ông thầm hứa với lòng mình sẽ trở lại Hà Nội để gắn bó cuộc đời với thành phố thân yêu.

Năm 1958, nhạc sĩ Phạm Tuyên rời Nam Ninh (Trung Quốc) về Hà Nội nhận nhiệm vụ mới ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Kể từ đó cho đến tận bây giờ, người ta vẫn thường nhắc đến Phạm Tuyên như “người chép sử bằng âm nhạc”, bởi ở mỗi thời điểm, mỗi khoảnh khắc lịch sử, ông lại có những bài ca sống mãi cùng thời gian. Và những tác phẩm ấy luôn có Hà Nội chứng kiến, chỉ có ở Hà Nội, vào những thời khắc thiêng liêng.

Tháng 12-1972, đế quốc Mỹ cho máy bay B52 ném bom hủy diệt hòng đưa Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng một số tỉnh, thành phố miền Bắc "trở về thời kỳ đồ đá". Đa phần người dân đã đi sơ tán. Nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn "bám trụ" tại trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam, số 58 phố Quán Sứ, để làm việc. Vợ và con gái út của ông sơ tán về Hưng Yên cùng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; con gái lớn theo trường cấp 3 về Quốc Oai. Căn nhà trong khu tập thể 126 Đại La tạm khóa cửa. Đêm đêm, trong hầm trú ẩn ở cơ quan, Phạm Tuyên lặng lẽ hoàn thành các công việc cho sóng phát thanh và nung nấu những ý tưởng sáng tác của mình.

Để bày tỏ tình cảm khi phải xa cách vợ con cũng như rất nhiều người dân Hà Nội đi sơ tán nhưng lòng vẫn hướng về Thủ đô, ông đã viết ca khúc “Hà Nội những đêm không ngủ”. Một tiếng lòng tự sự giữa những ngày gian khó của Hà Nội, nhưng vẫn tràn đầy lạc quan, tin tưởng Hà Nội sẽ chiến thắng. Và quả thật, sau 12 ngày đêm quật cường, quân dân Hà Nội đã làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” vang dội. Ở thời điểm lịch sử ấy, nhạc sĩ Phạm Tuyên có ngay khúc tráng ca “Hà Nội - Điện Biên Phủ”. Bài hát đầy tự hào, vang lên như một lời tuyên ngôn đanh thép. Cụm từ “Hà Nội - Điện Biên Phủ” lần đầu xuất hiện trong bài hát của ông đã trở thành tên gọi của chiến thắng lịch sử. Nhưng ít người biết rằng, căn nhà nhỏ của gia đình nhạc sĩ đã bị bom Mỹ phá tan trong chính cuộc không kích ấy.

img_1878.jpeg
Nhạc sĩ Phạm Tuyên với các cháu thiếu nhi Hà Nội. Ảnh: Nhacsiphamtuyen.vn

Hòa bình lập lại, sau một thời gian ở tạm tại khuôn viên Đài Tiếng nói Việt Nam, gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên chuyển về khu tập thể Khương Thượng, khu lắp ghép đầu tiên của Hà Nội.

Những ngày cuối tháng 4-1975, dõi theo đoàn quân tiến về Sài Gòn, dự cảm về ngày toàn thắng đến gần, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã bật lên tiếng reo vui dâng trào trong ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng”. Nơi ra đời những dòng nhạc bất hủ ấy chính là hành lang tầng 3 nhà A5 Khương Thượng. Và 4 năm sau, tháng 2-1979, một khúc tráng ca khác - “Chiến đấu vì độc lập tự do”, như lời hịch kêu gọi toàn dân, vang vọng núi sông với câu mở đầu: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” cũng ra đời tại đây.

Người dân khu tập thể Khương Thượng tự hào vì có "người nhạc sĩ của nhân dân" sinh sống ở đây. Họ thích thú khi bất chợt nghe tiếng đàn của ông; họ chào hỏi, trò chuyện vui vẻ khi gặp ông đang xếp hàng mua gạo; họ sẵn sàng giúp ông khi thấy ông xách nước từ vòi nước công cộng lên tầng 3…

img_1881.jpeg
Nhạc sĩ Phạm Tuyên - Công dân Thủ đô ưu tú. Ảnh: Nhacsiphamtuyen.vn

Thời gian dần trôi. Sau bao năm cống hiến cho Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thông tin, nhạc sĩ Phạm Tuyên về nghỉ hưu. Nhưng công việc sáng tạo thì đâu có tuổi hưu, ông vẫn tiếp tục cho ra đời nhiều bài hát, vẫn đi nhiều nơi trên khắp đất nước để có thêm nguồn cảm xúc.

Năm 1995, Đại hội Hội Âm nhạc Hà Nội được tổ chức tại trụ sở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội (số 19 Hàng Buồm). Nhạc sĩ Phạm Tuyên khi ấy đã 65 tuổi, đến Đại hội với tâm thế "dự cho vui". Thế nhưng, một điều bất ngờ đã xảy ra khi cả Đại hội nhất trí cao bầu ông làm Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội với mong muốn ông sẽ đưa Hội thành một tổ chức mạnh, nâng âm nhạc Thủ đô lên một tầm cao mới. Bằng uy tín và đức độ, ông đã làm Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội 3 nhiệm kỳ liền (1995-2000).

Năm 2011, đúng dịp kỷ niệm 57 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, nhạc sĩ Phạm Tuyên được trao danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú. Tại buổi lễ, ông dí dỏm chia sẻ: “Cả đời tôi đã là công dân Thủ đô, cuối đời được thêm hai chữ “ưu tú!"”.

Tình yêu Hà Nội có thể nói đã thấm đẫm trong tâm hồn nhạc sĩ Phạm Tuyên từ thuở lọt lòng đến tuổi xưa nay hiếm. Với ông, Hà Nội luôn là nơi chốn mà như ông từng thổ lộ qua một bài hát ông dành tặng thiếu nhi Thủ đô, đó là: “Đi nơi đâu ta vẫn nhớ tới chốn đây/ Sông Hồng nặng phù sa cuồn cuộn sóng/ Cây xum xuê bên làn nước biếc xanh/ Sáng ánh sao bên hồ Gươm soi bóng…..” ("Hát dưới trời Hà Nội" - 1977).

logo-dien-tu-moi-02.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự cuộc thi viết: “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” Một đời với Hà Nội…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.