Đô thị

Bài tham dự cuộc thi viết: “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” - Nỗ lực vì một Hà Nội “đẹp từng centimet”:Bài cuối: Để những con đường đẹp mãi với thời gian

Hoàng Quyên - Hoàng Trà 08/09/2024 13:50

Công cuộc làm đẹp Hà Nội luôn được xem trọng và là một trong những nhiệm vụ lớn của công tác quy hoạch đô thị. Những con đường gắn với sự phát triển và mở rộng đô thị, minh chứng cho tầm vóc của Thủ đô trong thời đại mới. Dù vậy, để những con đường trở thành linh hồn của đô thị Hà Nội, góp phần nâng cao giá trị cuộc sống của người dân, tăng sức hút điểm đến cho Thủ đô, Hà Nội cần có chiến lược tổng thể và bền vững.

Đẹp và không đẹp

Tại Hà Nội, chiến lược kiến thiết đô thị, trong đó có việc quy hoạch, trang trí đường phố là bài toán được đặt ra từ nhiều năm nay. Công cuộc làm đẹp phố và đường Hà Nội được cụ thể hóa ở những phần việc như: Mở rộng đường, trồng cây, lát đá vỉa hè, xây dựng cầu đi bộ... Đó còn là việc trang trí đường phố bằng cờ, hoa, băng rôn, đèn chiếu sáng, pano, áp phích, tranh cổ động... vào những dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm lớn hay sự kiện có ý nghĩa quan trọng của Thủ đô và đất nước. Với một đô thị hiện đại thì còn phải tính đến không gian nhà ga đường sắt đô thị, sân bay, tàu điện ngầm..., tất cả cần được thiết kế vừa bảo đảm tính thẩm mỹ, vừa mang lại hiệu quả sử dụng tối ưu.

img_1869.jpeg
Con đường gốm sứ Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thanh

Hà Nội từng có bài học đắt giá cho công tác trang trí đường phố. Chẳng hạn, màn trang trí đường phố chào đón năm mới 2016 bị chê nhiều vì quá lòe loẹt. Hay mới đây, tại “đảo giao thông” cầu Vĩnh Thịnh, thị xã Sơn Tây, nhiều người đi đường phản ánh rằng, họ bị che khuất tầm nhìn do chính quyền địa phương trồng cây keo không phù hợp, dù mục đích dự án phủ xanh nút giao thông này là đúng đắn...

Những câu chuyện nói trên cho thấy, làm đẹp đường phố không phải là việc dễ dàng. Không phải ngẫu nhiên mà trong nhiều năm qua, ngành Văn hóa Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc thi phương án thiết kế trang trí đường phố. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhìn nhận: Hà Nội ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp, dù vậy, việc làm đẹp, trang trí đường phố Thủ đô đôi khi chưa hiệu quả.

Các không gian sáng tạo, về cơ bản đều có ý nghĩa kiến thiết vẻ đẹp thành phố. Tuy vậy, một số dự án chỉ tạo được sức hút trong thời gian đầu, theo thời gian dần bị xuống cấp. Thực tế cho thấy, không gian sáng tạo phố bích họa Phùng Hưng, không gian sáng tạo nghệ thuật ở phố Phúc Tân, “Con đường gốm sứ” từng được Tổ chức Guinness công nhận là bức tranh gốm dài nhất thế giới, hay ngay cả những tác phẩm nghệ thuật trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật vừa mới ra mắt... đang phải đối diện với sự xuống cấp. Một số không gian sáng tạo mới tại nhà ga đường sắt đô thị tuy nhen nhóm ý tưởng mới nhưng mới chỉ là những gợi ý.

nghe-si-tu-sua.jpeg
Các nghệ sĩ thực hiện việc tu sửa tác phẩm tại phố bích họa Phùng Hưng. Ảnh: Thế Sơn

Nói về nguyên nhân dẫn đến “tuổi thọ” không cao của nhiều không gian sáng tạo nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn thừa nhận, những không gian này thường chỉ “sống” được 3 - 5 năm, sau đó sẽ bị xuống cấp hoặc cần thay đổi để phù hợp với hơi thở thời đại. Hơn nữa, phần lớn tác phẩm sử dụng vật liệu tái chế nên dễ bị hỏng, cần được bảo trì. “Với nghệ thuật công cộng, ngoài kinh phí thực hiện tác phẩm thì chi phí duy tu bảo dưỡng định kỳ cũng cần một khoản không nhỏ, mà các nghệ sĩ không thể cứ mãi tự bỏ tiền, công sức và thời gian”, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ.

Còn theo Giáo sư, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, những công trình làm đẹp đường phố, các không gian sáng tạo công cộng thiếu hiệu quả một phần là do sử dụng chất liệu không bền, hay cũng có thể là do hình thức, nội dung trang trí chưa đạt tới chiều sâu văn hóa, chưa truyền tải được câu chuyện đặc trưng của Hà Nội nên nhanh chóng lỗi thời.

Cần tầm nhìn chiến lược

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, không ít không gian sáng tạo đã trở thành thương hiệu văn hóa nghệ thuật - du lịch nổi tiếng. Điển hình như sân bay Changi của Singapore được đánh giá là một trong những sân bay tốt nhất thế giới với không gian khu chờ được thiết kế như một khu vườn xanh mát, thân thiện cùng các hiệu ứng kỹ thuật số hiện đại. Hay nhà ga tàu điện ngầm Komsomolskaya ở thủ đô Mátxcơva (Nga) gây ấn tượng bởi vẻ đẹp cổ kính, được thiết kế như một bảo tàng nghệ thuật dưới lòng đất...

nha-ga-tau-dien-ngam-komsomolskaya-o-moscow-nga-.jpeg
Nhà ga tàu điện ngầm Komsomolskaya ở Moscow (Nga) đẹp như một cung điện. Ảnh: Internet

Đánh giá tiềm năng sáng tạo từ những công trình hạ tầng giao thông đô thị mới như đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội, nguyên Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, cho rằng: Mạng lưới đường sắt đô thị được kỳ vọng là mạch nối những trục không gian văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội, góp phần nâng tầm vị thế đô thị trung tâm của Việt Nam và khu vực. Nơi đây hứa hẹn là những không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật, không gian trưng bày hiện vật, hình ảnh về văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội, trở thành những điểm nhấn của Thủ đô thời hội nhập và phát triển - điểm tham quan, mua sắm, check-in hấp dẫn du khách.

img_1865.jpeg
img_1866.jpeg
Không gian nghệ thuật đặc sắc tại sân bay Changi, Singapore. Ảnh: Internet

Việc hình thành nhiều không gian sáng tạo, thực hiện các dự án làm đẹp đường phố, đặc biệt là phát huy giá trị sử dụng của các không gian này luôn là bài toán khó. NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cho rằng, trang trí đường phố và hình thành những không gian sáng tạo không phải là việc đơn giản, vì sự đẹp - xấu còn tùy thuộc vào cảm quan của từng người. Với Hà Nội, việc trang trí đường phố phải thể hiện được nét đẹp thanh lịch, tinh tế, mang tinh thần văn hóa Hà Nội nhưng vẫn phải cho thấy sự hiện đại, văn minh.

Còn theo Giáo sư, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, công tác trang trí đường phố, đặc biệt là ở những tuyến đường đô thị mới cần phải dựa trên quy hoạch tổng thể, từ đó mới có được thiết kế phù hợp với đặc trưng văn hóa, mang đến hiệu quả, tránh lãng phí. Với những không gian công cộng rộng lớn, cần có những tác phẩm thiết kế mang tính tầm nhìn, có độ bền cao, và cả mô hình thiết kế linh hoạt, có thể thay đổi để tăng sự mới mẻ. “Quan trọng là cần có cơ chế, chính sách, nguồn lực dành cho việc tái thiết, duy trì những không gian sáng tạo và giải pháp trang trí làm đẹp các tuyến đường đô thị”, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính chia sẻ.

Làm đẹp Hà Nội là một câu chuyện dài đã được thực hiện trong suốt chiều dài lịch sử hơn 1.000 năm phát triển, và có thể nói, không gian sáng tạo công cộng, trong đó có không gian đường phố, chính là một dấu ấn trong việc làm đẹp Thủ đô những năm đầu thế kỷ XXI. Đây là kết quả của quá trình nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền và mỗi người dân với tâm thế tất cả vì Hà Nội. Để Hà Nội “đẹp từng centimet” không chỉ là một mục tiêu, đó còn là một hành trình với nhiều gian khó, nhưng với tình yêu, niềm tự hào về Hà Nội, tin tưởng rằng chúng ta sẽ kiến tạo được Thủ đô Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo sánh ngang với các thủ đô sáng tạo thế giới.

logo-dien-tu-moi-02.jpg

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự cuộc thi viết: “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” - Nỗ lực vì một Hà Nội “đẹp từng centimet”: Bài cuối: Để những con đường đẹp mãi với thời gian

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.