Chính trị

Bài tham dự cuộc thi viết: “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” Một thời để nhớ

Nguyễn Trấn 09/09/2024 - 15:28

70 năm trôi qua, nhưng những kỷ niệm về chặng đường từ chiến thắng Điện Biên Phủ về tiếp quản Thủ đô mãi in sâu trong tâm trí những người lính Trung đoàn pháo cao xạ 367 năm xưa.

Được thành lập ngày 1-4-1953, Trung đoàn 367 là trung đoàn pháo cao xạ phòng không đầu tiên, hiện đại của quân đội ta. Sau gần một năm xây dựng, huấn luyện về mọi mặt ở nước bạn, Trung đoàn đã được lệnh về nước tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Là đơn vị mới ra đời, còn non trẻ, nhưng trận đầu ra quân đã đánh thắng lực lượng không quân hiện đại với ưu thế tuyệt đối về sức mạnh của quân đội Pháp.

Kết thúc chiến dịch, đơn vị đã bắn rơi 52 máy bay và bắn bị thương, phá hủy gần 200 máy bay các loại của địch, bắt sống giặc lái, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm chủ vùng trời Điện Biên, cắt đứt đường tiếp viện duy nhất bằng hàng không của địch, góp phần rất quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Ngày 13-5-1954, Đại đội 815, Tiểu đoàn 383 là đơn vị bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên khi chiến dịch mở màn và bắn rơi nhiều máy bay nhất, vinh dự được thay mặt toàn Trung đoàn tham dự lễ duyệt binh mừng chiến thắng tại Mường Phăng. Tại đây, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã biểu dương, khen ngợi: "Binh chủng pháo cao xạ phòng không non trẻ, mới ra đời, đã đánh thắng trận đầu, anh dũng tuyệt vời, chiến thắng vẻ vang...." và trao tặng đơn vị lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của Bác Hồ gửi tặng.

3-1570369622.jpg
chao-co-nam-1954.jpg
Hình ảnh lễ chào cờ tại sân Cột cờ trong Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954. Ảnh tư liệu

Cuối tháng 5-1954, đơn vị được lệnh hành quân về căn cứ địa Việt Bắc, tiếp tục làm nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ các cơ quan của Đảng, Chính phủ và các mục tiêu kho tàng, công xưởng, đầu mối giao thông... Tại khu vực Đại Từ - Thái Nguyên từ ngày 13 đến 20-6-1954, Tiểu đoàn 383 tiếp tục chiến đấu, bắn rơi 2 máy bay cường kích F8. Đây là những chiếc máy bay cuối cùng của quân đội Pháp bị bắn rơi trong cuộc kháng chiến.

Ngày 21-7-1954, niềm vui vỡ òa đến với toàn đơn vị cũng như nhân dân cả nước khi biết tin Chính phủ Pháp đã phải ký vào Hiệp định Genève chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình trên toàn cõi Đông Dương. Ngày ấy, hầu hết những thanh niên từ các miền quê tình nguyện ra đi chiến đấu, chỉ mong khi hết giặc, đất nước hòa bình để trở về với gia đình, người thân.

Thế rồi, đến giữa tháng 9-1954, một niềm vui bất ngờ nữa lại đến với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 367 khi được lệnh chuẩn bị thật tốt về mọi mặt để hành quân về xuôi, tiếp quản Thủ đô. Niềm mơ ước bấy lâu đã trở thành hiện thực. Theo lệnh cấp trên, các Tiểu đoàn 392, 396 về các Đại đoàn bộ binh 320, 325. Các Tiểu đoàn 281, 385, 394 phối thuộc về Bộ Tư lệnh Pháo binh, còn Tiểu đoàn 383 phối thuộc về Đại đoàn bộ binh 308 Quân tiên phong. Cuối tháng 9-1954 các đơn vị tổ chức hành quân theo các trục đường và ngày, giờ quy định.

Tiểu đoàn 383 chúng tôi từ căn cứ địa Việt Bắc về qua Phú Thọ, rồi qua sông Hồng về đóng quân ở Thành cổ Sơn Tây ít ngày, sau đó di chuyển về Phùng - Đan Phượng, tranh thủ thời gian tiếp tục làm công tác chuẩn bị như lau chùi xe, pháo, các trang bị và quân trang, mũ, quần áo sao cho chỉnh tề, đẹp đẽ nhất. Đêm 8-10-1954, cả đơn vị hầu như không ngủ, một không khí lạ thường, cười vui, chuyện trò, phấp phỏng, đợi chờ, chỉ mong trời nhanh sáng để về Hà Nội. Khoảng 7h ngày 9-10-1954, đoàn quân cơ giới gần 40 xe, pháo hùng dũng tiến về hướng ô Cầu Giấy, rồi theo đường Láng về trú quân trong một doanh trại cũ của quân đội Pháp ở sân bay Bạch Mai.

Theo lệnh, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ chốt gác, bảo vệ các cơ quan, mục tiêu quan trọng, còn lại tất cả các đơn vị chuẩn bị thật tốt mọi mặt để sáng hôm sau có mặt ở sân vận động Cột Cờ để làm lễ chào cờ. Tuy mệt mỏi, vất vả vì lại một đêm nữa mất ngủ nhưng ai nấy đều tươi cười, rạng rỡ. Sáng 10-10-1954, các lực lượng vũ trang cùng quần chúng nhân dân từ các đường phố chính tiến về sân Cột Cờ, đội ngũ chỉnh tề, rồi một hồi còi dài báo hiệu vang lên, cờ Tổ quốc tung bay cao giữa trời thu lộng gió. Quốc ca trầm hùng, xen lẫn những tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa muôn năm...” vang vọng cả vùng trời Thủ đô vừa giải phóng! Mọi người ai nấy đều mừng vui, xúc động nghẹn ngào, xen lẫn tự hào, kiêu hãnh, vì đoàn quân chiến thắng đã trở về giữa Thủ đô yêu quý, trái tim của cả nước!

Những ngày ấy, trên các nẻo đường hành quân hay ở nơi trú quân, bộ đội đều được nhân dân chờ đợi, đón chào nồng nhiệt, gần gũi, yêu thương như chờ đón những người thân trở về sau 9 năm xa cách!

Hà Nội ngày ấy còn nhỏ hẹp, chỉ vài khu phố, dân số còn ít, nhưng trên các cửa ô, các ngả đường khi các đoàn quân đi qua là cả một rừng người, rừng cờ hoa cùng tiếng cười, lời ca tiếng hát rộn ràng, tiếng chào hỏi, chuyện trò gần gũi, thân thương giữa bộ đội và nhân dân. Và cũng có những tiếng khóc nức nở vì xúc động, vì sung sướng và cả vì không thấy người thân trở về trong đoàn quân chiến thắng...

Sau lễ kéo cờ, các lực lượng diễu hành qua các đường phố chính và trở về doanh trại làm nhiệm vụ. Tiểu đoàn 383 được bố trí trận địa ở bãi An Dương, Phúc Xá, Phúc Tân... làm nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan nhà nước và mục tiêu trọng yếu như Nhà máy điện Yên Phụ, cầu Long Biên...

hinh-6.1.jpg
Đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô 70 năm về trước. Ảnh tư liệu

Các đơn vị ngày ấy khi về tiếp quản Thủ đô thực sự là đội quân vừa chiến đấu vừa công tác. Ban ngày thì học tập, huấn luyện, ban đêm thì tổ chức từng tổ 3 người vào các khu dân cư, khối phố làm công tác dân vận, tuyên truyền phổ biến chính sách của Đảng, Nhà nước; vận động nhân dân tham gia các đoàn thể cách mạng, thực hiện nếp sống, đời sống mới; dạy múa hát cho thanh niên, thiếu nhi; tham gia phong trào vệ sinh hàng tuần vào ngày chủ nhật, xóa bỏ các hủ tục, tệ nạn xã hội do chế độ cũ để lại...

Bên cạnh đó, các đơn vị còn giúp các địa phương xây dựng củng cố bộ máy chính quyền và các đoàn thể mới thành lập; tham gia lao động cải tạo, xây dựng các công trình công cộng; khôi phục sản xuất, ổn định đời sống; cứu đói ở các khu lao động, ở vùng trắng ngoại thành (nơi địch gài mìn, hàng rào, thép gai, lô cốt dầy đặc), nơi cơ quan hay đóng quân của địch để lại... Ngày đó tuy gian khổ, vất vả nhưng vui, những lời ca, tiếng hát, giọng hò vẫn vang lên rộn rã.

Ngày tháng qua đi, những cái cũ lạc hậu, các tệ nạn do chế độ cũ ngày ngày mất đi, nếp sống mới hình thành, tình hình mọi mặt dần ổn định, tình đoàn kết quân dân ngày càng gắn bó, keo sơn, xóa đi những mặc cảm, đập tan những luận điệu xuyên tạc của địch.

Là công dân Thủ đô, đã sống, chiến đấu, công tác nhiều năm trên mảnh đất thân yêu, nay được chứng kiến bao thay đổi về mọi mặt của Hà Nội, của đất nước mà lòng không khỏi trào dâng niềm tự hào. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, tôi viết lại vài dòng kỷ niệm, cũng là tình cảm yêu mến dành cho Hà Nội - mảnh đất thiêng liêng, "trái tim" của Tổ quốc.

logo-dien-tu-moi-02.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự cuộc thi viết: “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” Một thời để nhớ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.