Hà Nội là “thủ phủ” của làng nghề truyền thống của cả nước. Nơi đây có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Làng nghề ở Thủ đô không chỉ đóng góp về mặt kinh tế, tạo việc làm, mà còn góp phần bảo tồn văn hóa làng, không gian xanh và phát triển du lịch.
Bài 1: Khi làng làm du lịch
Du khách đến Thủ đô Hà Nội tham quan, không chỉ mê đắm không gian ở vùng lõi đô thị, mà rất nhiều làng nghề ở những quận nội thành, huyện ngoại thành đã trở thành những điểm đến thú vị. Điều đáng nói, trong dòng chảy gấp gáp của thời gian và cuộc sống mưu sinh, không ít người dân đã học cách làm du lịch, góp phần quảng bá vẻ đẹp làng nghề, xây dựng, bồi đắp thêm những giá trị của làng.
Thênh thang gợi mở
Nếu nói về những tuyến “du lịch làng”, người Hà Nội có thể tự hào với rất nhiều ngôi làng suốt nhiều năm qua đã đón rất nhiều du khách, đó là Đường Lâm, Bát Tràng, Vạn Phúc, Quảng Phú Cầu, Cơ Giáo, Cự Đà…, nơi các nghề truyền thống đặc trưng đã dưỡng nuôi, tạo nên sinh khí của vùng đất hàng trăm, hàng nghìn năm qua.
Nói đến Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây), ai cũng biết nơi đây là ngôi làng cổ còn giữ được nhiều nếp nhà hàng trăm năm tuổi, nổi tiếng với nghề làm tương, làm chè lam, kẹo lạc. Hơn hết, người dân Đường Lâm đã rất biết cách phối hợp nghề truyền thống vào việc làm du lịch để không chỉ quảng bá hình ảnh của làng, mà còn giúp phát triển kinh tế, phát huy giá trị của các di tích trong khu vực.
Anh Trần Huy Điệp, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi đã tham quan nhiều ngôi làng cổ, nhưng Đường Lâm là một trong những nơi đẹp nhất, ấn tượng nhất. Xung quanh làng còn có nhiều địa điểm, di tích văn hóa, lịch sử khác mà chúng tôi cũng rất thích khám phá”.
Vào dịp cuối tuần, rất nhiều khách ở các địa phương khác về Đường Lâm tham quan, chụp ảnh. Từ đường cái vào làng, đi len lỏi trong các ngõ xóm, du khách sẽ nhận ra sự mộc mạc, chân chất của một vùng quê thông qua từng nếp chùa cổ, cổng nhà, bức tường đá ong, những giếng cổ… Được tâm sự với các bậc cao niên, những người trực tiếp gìn giữ nếp nhà cổ, đón khách ở thôn Mông Phụ như các ông: Nguyễn Văn Hùng, Hà Hữu Thể, Hà Nguyên Huyến, Kiều Anh Ban, hẳn nhiều người sẽ thấy yêu mến vùng quê này hơn.
Ở Đường Lâm, ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (thuộc xóm Sui, thôn Mông Phụ) rộng 420m2, được xây vào năm 1649, có tuổi đời lâu năm nhất. Đây là địa điểm nhiều đoàn khách đến tham quan, chụp ảnh. Ông Hùng cho hay: “Chúng tôi luôn giữ cho khu nhà thật đẹp và thoáng mát, giữ không gian để làm chè lam. Gia đình tôi cũng sẵn sàng phục vụ khách ăn uống nếu được đặt trước. Đặc biệt, khách rất thích bánh chè lam do gia đình tôi làm. Khách đến tham quan đông cũng khiến gia đình chúng tôi thật sự tự hào”.
Qua tìm hiểu được biết, ngôi nhà của gia đình ông Hùng đã được quy hoạch bảo tồn và được Tổ chức JICA (Nhật Bản) phối hợp Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hỗ trợ tu sửa. Ngôi nhà gồm 5 gian chính, 3 gian bếp và khu vệ sinh được phục chế lại gần như nguyên bản.
Ở xóm Sui (thôn Mông Phụ), còn có ngôi nhà cổ của gia đình ông Hà Hữu Thể với 5 gian, 2 dĩ. Gia đình ông Thể có nghề làm tương nổi tiếng nhiều đời nay. Từ đường làng rẽ vào con ngõ nhỏ, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước không gian thuần Việt dường như chỉ còn thấy trên phim ảnh. “Giữ nhà và nghề làm tương theo kiểu cha truyền con nối, không gian này là niềm tự hào của cả thôn và dòng họ. Khách đến đây cũng thấy thật thoải mái, gần gũi”, ông Thể chia sẻ.
Ở Hà Nội, Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) là một làng nghề truyền thống nổi tiếng với nghề làm gốm sứ. Những năm qua, Bát Tràng đã trở thành một trong những địa phương sôi động nhất cả nước về hoạt động mua bán, trao đổi sản phẩm làng nghề. Bát Tràng chỉ cách trung tâm Thủ đô chừng 20km nên một chuyến du lịch làng nghề gốm sứ bằng xe máy hoặc ô tô sẽ giúp du khách có một hành trình chủ động và thoải mái. Đặt chân đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những sản phẩm gốm sứ độc đáo, tinh xảo được chế tác bởi bàn tay khéo léo, tài tình của đội ngũ nghệ nhân lành nghề. Kỹ thuật tạo men và nung lò tỉ mỉ mang đến sự hoàn hảo, hoa văn tinh xảo đến khó tin. Không chỉ vậy, du khách đến Bát Tràng còn có cơ hội chiêm ngưỡng lối kiến trúc cổ kính với những ngôi nhà xưa cũ, tường đá rêu phong và dạo bước trên những con đường nhỏ xinh, bình dị.
Nằm trong khuôn viên Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt, Bảo tàng gốm Bát Tràng là nơi giới thiệu nét đẹp nghề gốm và là địa điểm check-in lý tưởng của giới trẻ, với phong cách kiến trúc mô phỏng hình bàn xoay vuốt gốm. Tông màu chủ đạo của công trình được lấy cảm hứng từ màu nâu đất, chính là màu của đất sét - nguyên liệu sản xuất gốm truyền thống và cũng là màu của phù sa sông Hồng bồi đắp nên sự trù phú, thịnh vượng cho làng nghề gốm Bát Tràng.
Bà Phạm Thị Thu Hoài, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bát Tràng cho biết: "Người dân nơi đây đều ý thức và tự hào về nghề cha ông để lại. Chúng tôi xác định, phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ mũi nhọn hướng tới phát triển kinh tế chung của Bát Tràng và mỗi người dân đều sẵn sàng chung tay vào thực hiện".
Sống chậm ở làng cổ
Với tuổi đời hơn 100 năm, làng hương Quảng Phú Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) vẫn giữ được trọn vẹn nét đẹp cổ kính của vùng quê Bắc Bộ. Nơi đây là địa điểm sản xuất và cung cấp tăm hương phục vụ nhu cầu tâm linh chủ yếu cho các tỉnh khu vực phía Bắc. Có dịp ghé thăm làng nghề này, du khách sẽ không khỏi choáng ngợp bởi hình ảnh từ đường lớn đến ngõ nhỏ đều được bao phủ bởi những chân hương đỏ rực. Người dân xếp chân hương thành từng bó nhỏ và xòe to như những bông hoa nở rộ đẹp mắt.
Cũng như Đường Lâm, Bát Tràng, Quảng Phú Cầu, nhiều làng nghề ở Hà Nội với khung cảnh bình dị, thân thương cũng được nhiều du khách chọn làm điểm đến để tận hưởng một lối sống chậm, thư thái. Đó là cách để vơi đi những mệt nhọc, áp lực cuộc sống, làm mới mình để có thể bước vào những ngày làm việc hứng khởi hơn. Chị Lê Thị Vân, giảng viên một trường đại học chia sẻ: “Tôi và nhóm bạn thường tìm đến những ngôi làng cổ, hiền hòa để trải nghiệm, chụp ảnh, cười thỏa thích. Cuộc sống ngày càng nhiều áp lực, ai có quê gần thì có thể về vào mỗi cuối tuần. Còn ở xa, không về thường xuyên được thì có thể đến những làng nghề ngoại thành Hà Nội để được thư thái. Càng đi càng thấy Thủ đô có nhiều làng nghề rất thú vị. Tìm hiểu về làng nghề cũng là một cách sống lành mạnh”.
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, cho rằng: Hướng thu hút khách du lịch hiện nay tới các làng nghề là rất cần thiết, trong đó, thành phố sẽ có những giải pháp để hướng tới hỗ trợ nghệ nhân.
---
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.