Chúng tôi tìm cửa hàng của Phát được thuê từ ngôi nhà cũ phía trước đình Mông Phụ. Những ngôi nhà nhiều chục năm tuổi hai bên sân gạch rộng, mở một không gian gợi nhắc xa xưa.
Qua điện thoại, Phát bảo “nhìn mái nhà nào có nhiều chim đậu thì đấy là cửa hàng của em”. Tôi bật cười, nghĩ trừ khi nhà đó tung thóc lên mái, còn không thì chim phải con bay con đậu, hay la đà khắp mặt sân chứ. Nhưng gần đến nơi thì thấy ngay mái ngói cũ rêu đọng, hàng chim gốm lúc thưa lúc mau, chíu chít nâu sành, vàng đất, trắng đục. Đúng mái nhà chim đây còn gì!
Cô gái trông hàng nói Phát đang bận ngoài kia chút. Khách đợi chủ, ngồi trên ghế sơn mài cong cong, phần dựa và tay ngai uốn chạm những đầu mèo trông chẳng giống ai. Mặt bàn hình con cá cong lên lóng lánh. Hình thô phác, mặt gồ ghề, nhưng bộ bàn ghế ánh lên vẻ sang trọng, tinh khéo nhờ những mảng sơn xanh, đen, đỏ, những vảy vàng, đường rạn vỏ trứng phối trộn.
Bày trên các giá gỗ trong gian nhà nền gạch mái trần, gần như mỗi thứ một kiểu. Bầy ốc sên to nhỏ, xoáy sơn mài tỏa ra từ giữa thân vỏ, trắng mịn pha vàng nhũ, điểm những vạch tía; có con hằn đường lượn óng ánh theo đầu, cổ mềm mại; con lại nhấm nháy ở mắt, ở râu. Mấy dáng hổ gân guốc đang bước đi, đang phục xuống trực chồm lên, các đường vằn vện không thuần túy đen mà đa dạng sắc thái. Vài đầu rồng nho nhỏ mô phỏng đầu rồng thời Lý đào được ở Hoàng thành Thăng Long, phủ một màu vàng rực… Một bàn gốm bề bộn sẵn sàng cho khách nào hứng thú vào thử tay nghề.
Cái không trật tự trong tổng thể đa sắc màu và những tạo tác không giống nhau ở đây làm tôi thích thú. Phần nào nó kể ra cái chất nghệ sĩ và “độ thăng” của chủ nhân vừa là một họa sĩ đã qua trường lớp mỹ thuật công nghiệp, đang học tiếp cao học, vừa có cả danh nghệ nhân này.
Nguyễn Tấn Phát chạy xe máy về đến, hồ hởi nói: “Em đang chung thêm gian hàng nữa ngoài cổng làng, bày đồ lưu niệm và trang phục truyền thống cho khách mặc chụp ảnh. Khách về nhiều, cũng nhiều kiểu, mình mở ra cách này, cách kia cho hợp nhu cầu”.
Trên con đường gạch vòng vèo, Phát kể hiện trạng sản xuất, tham dự vào chuỗi phát triển du lịch địa phương, sản phẩm đã được sử dụng làm quà tặng, góp mặt vào chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Ngoài hai cửa hàng làm điểm tham quan, trải nghiệm, Phát còn có một nhóm thợ tham gia một số công đoạn sản phẩm theo hướng dẫn. Còn Phát, vừa khởi sự vừa kiêm nhiệm, cùng lúc gồng gánh từ thiết kế sản phẩm đến trực tiếp làm và hoàn thiện, lo đầu ra cũng như những phần việc ở vai trò nghệ sĩ - nghệ nhân - nhà sản xuất trong “tổ hợp” liên kết với Ban quản lý di tích, chính quyền địa phương, đối tác sáng tạo khác trong hoạt động du lịch của làng cổ.
“Hoặc hỗ trợ, chung sức, hoặc tranh thủ sự giúp đỡ của các đầu mối, và cùng bắt tay để có hiệu quả chung, vì làm ở làng, tinh thần cộng sinh phải được đề cao”, Phát phân tích. Cái hiệu quả đó, nhiều khi không phải cứ là tiền. Nó là uy tín, là cách làm, là cái mới, là thêm nét gì đó khác hơn cho du lịch làng cổ vốn đã quen thuộc từ lâu. Chính vì thế mà nhiều lần, và ngày càng nhiều hơn, họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát phải “kiêm” luôn cả hướng dẫn viên khi bạn bè, đồng nghiệp, khách quen qua giới thiệu rủ nhau lên Đường Lâm thăm thú là lại nhờ Phát giúp, chơi chỗ này, ăn chỗ kia, ngồi đâu đó trà nước kể chuyện làng, lên đền, thăm chùa hay đến ngôi nhà đầy sản phẩm của Phát ở trong làng.
Nhiều năm miệt mài làm lụng, Phát dựng được mấy gian nhà theo lối cổ ở giữa làng Mông Phụ với sân rộng làm nơi sản xuất, trưng bày. Cửa giả, thợ đang treo cái này, đóng cái nọ. Chứng tỏ chủ nhân tuổi ngoài 40 không lúc nào không nghĩ ra một cái gì đó.
Bước qua sân lên nhà, tôi vừa nhớ lại cái tiếng mà mấy năm qua, báo chí đã kể nhiều về anh họa sĩ làng cổ làm hàng nghìn tượng nhỏ độc bản những trâu, những hổ, rồi đến mèo, thậm chí cả rồng. Nay đến đây, càng thấy cái kho ý tưởng và sản phẩm, tác phẩm của Phát cứ ngổn ngang, tầng tầng lớp lớp, cùng với chi chít những giấy khen, bằng khen, giấy chứng nhận nghệ sĩ, nghệ nhân, giải thưởng qua các cuộc thi, triển lãm, festival treo khắp vách gỗ. Đây cái ghế nhưng lấy cảm hứng từ hình dáng cái hòm đựng đồ kiểu cổ. Kia phần thân và đuôi con rồng của rối nước nhưng Phát lại nối vào cái đầu rồng thời Lý, chứ không giống kiểu thời Nguyễn như thường thấy. Những đầu rồng dựng vây răng cưa, Phát gắn các khúc thân đủ kiểu, thẳng dẹt, cong queo, gấp chữ chi, trông giống cái khung cửa cũng có. Những cái hộp đựng đồ hình chữ nhật, hình bán nguyệt như chẳng phải là chính nó, mà tác giả cho “lai” với một hình thù khác từ các đồ vật truyền thống.
Hàng loạt món sản phẩm của Phát bởi thế, hình như chẳng phải chỉ là nó nữa, mà để ra trước mắt, chúng gợi đến những hình này, ý nọ, những ký ức văn hóa, trầm tích cổ truyền vẫn còn dư vang, còn len lỏi trong suy tư của người nặng lòng dân tộc. Và đương nhiên, tạo nên cảm xúc thẩm mỹ cho người thưởng lãm, chẳng thể để sơ sài, mộc mạc một sắc nào, bằng con mắt khéo của nghề, nghệ sĩ biết điểm tô lên những hình thù dân tộc mà mới mẻ, khác lạ nhưng vẫn thân quen đó những mảng sơn mài bừng sáng, đua chen, những vệt son, vàng, ngà quý phái lúc chỗ này, lúc chỗ nọ thật đa dạng và không lặp lại.
Tôi nói đùa, hình như quá trình làm một sản phẩm, tác phẩm của Phát cũng không như dự định ban đầu. Thể nào cũng có điều chỉnh, có lẩy ra, phác thêm một cái gì đó khi đang làm giở. Phát “thừa nhận”, em nhiều ý quá, làm cái này lại nghĩ đến cái kia. Thảo nào, nhìn ở góc hiên ngôi nhà, tôi thấy một bức tượng chó mang dáng nét Ai Cập. Và dưới sân, nơi còn la liệt cối đá, cối xay, lại có một khối mang những vạch phảng phất chút Ai Cập, lại có gì gợi đến mũ lông thổ dân châu Mỹ. Phát như một khối đang chuyển động.
Nhưng lúc sang thăm chùa Mía, giữa trùng trùng tượng phật, thánh thần, hộ pháp, kim cương, quỷ sứ, thị giả, thánh hiền, đức ông, la hán… và những đắp nặn mây rồng khói phượng, hoa văn áo mũ như tràn chảy, dáng sen, hình cúc đó đây, tôi hỏi, hình như đây chính là một trong những “ngôi trường ấu thơ” vun đắp nên tâm hồn của Phát. Phát bảo đúng!
Từ những hình vẻ rực rỡ của mỹ thuật cổ truyền dẫn chúng ta vào thế giới dân gian, Phát đang làm sáng thêm xa xưa bằng hôm nay uyển chuyển, tinh tế. Phát còn bảo, em mong có thể phối hợp mở tại chùa đây những khóa học làm sơn mài kết hợp với khóa tu như một kiểu học kỳ nghệ thuật của học sinh, sinh viên. Nếu được thế, làng cổ cũng có thêm sắc thái mới trong hoạt động văn hóa, du lịch.
Trong thâm trầm Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) với những dòng chảy huyền thoại qua các bậc tiên hiền xưa, những đền thờ, nhà cổ - những tầng văn hóa sống trăm đời người dân bán sơn địa sau bức tường đá ong và những chum tương ngả óng, cùng cả sự ồn ào của đời sống mới và những sắc màu du lịch hôm nay, Đường Lâm đang có thêm lớp người như Nguyễn Tấn Phát. Mong chờ cách nghĩ, cách làm mới từ những “nghệ nhân hiện đại” như thế sẽ góp thêm những câu chuyện nối hôm qua vào hôm nay, để thêm long lanh cho thực tại mảnh đất này trong mai sau.
—-
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.