(HNM) - Đến thời điểm này, công tác tuyên truyền về bầu cử đang được tiến hành song song với lộ trình chuẩn bị bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng luật, thực sự là ngày hội của toàn dân.
Bài đầu: Chất lượng đại biểu là mục tiêu hàng đầu
Có thể nói, công tác hiệp thương của Ủy ban MTTQ TP Hà Nội có tính chất quyết định đối với chất lượng đại biểu ứng cử. Do vậy, Ủy ban MTTQ các cấp đã phát huy tinh thần dân chủ, đúng luật, đúng nguyên tắc đối với từng nhiệm vụ cụ thể. Qua quy trình 5 bước, 3 lần hiệp thương, Ủy ban MTTQ thành phố đã chọn được 179 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND thành phố và 38 người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH (tính cả người dự phòng). Đại biểu được lựa chọn đều là những người có tâm, có tầm, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Pano, khẩu hiệu trên đường phố tuyên truyền công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: Anh Tuấn |
Dân chủ, đúng luật
Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định, thực hiện Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015, Nghị quyết liên tịch số 11 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hướng dẫn quy trình hiệp thương ĐBQH khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, gần ba tháng qua, Ủy ban MTTQ các cấp của thành phố đã thực hiện chất lượng, hiệu quả 5 bước, 3 lần hiệp thương từ thỏa thuận cơ cấu, thành phần số lượng đến lựa chọn, lập danh sách người đủ tiêu chuẩn ứng cử. MTTQ tham gia làm nòng cốt trong việc tổ chức hội nghị nhân dân lấy ý kiến cử tri, giám sát việc tổ chức hội nghị, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, các đơn thư liên quan đến đại biểu ứng cử. Tất cả đều là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi bảo đảm đúng luật, do đó, MTTQ các cấp của thành phố đã phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm trong triển khai thực hiện. Để chốt được danh sách người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Ủy ban MTTQ các cấp của thành phố đã rất nỗ lực để vừa bảo đảm được cơ cấu số lượng, thành phần, chất lượng đại biểu, vừa bảo đảm dân chủ, khách quan. Mặt trận phải trải qua giai đoạn khó nhất đó là đưa khỏi danh sách số dư người ứng cử nhiều hơn số lượng cần chuẩn bị để chốt danh sách. Việc này được thực hiện thông qua hiệp thương lựa chọn và phân tích, vận động những ứng viên chất lượng thấp hơn tự làm đơn rút khỏi danh sách ứng cử. Cán bộ Mặt trận phải kiên trì, sáng tạo, khéo léo, song phải giữ nguyên tắc dân chủ, đúng luật.
Trên thực tế, tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch, đúng luật được MTTQ thực hiện xuyên suốt qua 3 lần hiệp thương và các hội nghị cử tri. Cụ thể, ngay tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, đại biểu thảo luận sôi nổi, đề nghị điều chỉnh cơ cấu người ứng cử… Ở hiệp thương lần thứ hai, khi lập danh sách sơ bộ đại biểu ứng cử, hội nghị kiên quyết không đưa vào danh sách người không được nhân dân tín nhiệm và có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hoặc tư cách đạo đức không tốt...
Chặt chẽ ở tất cả các khâu
Theo luật, xen kẽ mỗi lần hiệp thương là một quy trình nghiêm ngặt, liên quan đến chất lượng đại biểu. Ngay việc hướng dẫn cơ quan, đơn vị, tổ chức giới thiệu, người ứng cử, giai đoạn này tuy không trực tiếp tham gia hội nghị giới thiệu người ứng cử nhưng Mặt trận liên tục giám sát để bảo đảm khách quan, không để xảy ra việc mất công bằng, hoặc quá nặng về cảm tính do thân quen, gia đình, dòng họ trong việc giới thiệu đại biểu ứng cử, nhất là đối với đại biểu HĐND cấp xã. Đồng thời, Mặt trận bám sát cơ sở, nắm bắt ý kiến, đơn thư để kịp thời giải quyết và kiến nghị giải quyết, tuyệt đối không để lọt vào danh sách người không đủ tiêu chuẩn.
Tương tự, sau hội nghị hiệp thương lần hai, lập danh sách sơ bộ người ứng cử, Mặt trận tiếp tục tiến hành việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Hai Bà Trưng Nguyễn Ngọc Anh cho biết, để bảo đảm chất lượng hội nghị cử tri, Mặt trận quận giám sát chặt từ khâu mời đại biểu phải là những người biết rõ người ứng cử để bảo đảm ý kiến trung thực, khách quan, không có bất cứ sự chỉ định hay hạn chế ý kiến của cử tri.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Bùi Anh Tuấn cho biết, trước hiệp thương lần ba chốt danh sách đại biểu, Ủy ban MTTQ thành phố hướng dẫn rất kỹ 30 quận, huyện, thị xã từ quy định của luật cho đến các tình huống có thể phát sinh, để đạt mục tiêu chọn được đại biểu xứng đáng nhất. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Sơn Tây Dương Quang Minh, trước khi được Ủy ban MTTQ thành phố hướng dẫn lập danh sách hiệp thương lần ba, Ủy ban MTTQ thị xã rất băn khoăn không biết xử lý thế nào với một số đại biểu tự ứng cử có đủ số phiếu tín nhiệm của nhân dân vì nếu để lại tất cả thì số dư vượt quá quy định. Dù Mặt trận đã vận động nhưng ứng viên không xin rút. Mọi việc chỉ được giải quyết sau khi Ủy ban MTTQ thành phố hướng dẫn phải căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia, cơ cấu, số lượng để phân tích, thảo luận trước khi biểu quyết lựa chọn người để lại trong danh sách bảo đảm khách quan, đúng luật và giữ vững đoàn kết, dân chủ ở cơ sở.
Công tác hiệp thương ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp thành phố nhiệm kỳ 2016-2021 của Ủy ban MTTQ các cấp nay đã thành công tốt đẹp. Người ứng cử được Mặt trận lựa chọn là những người tiêu biểu, xứng đáng. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến chưa hoàn toàn ủng hộ, tiếc cho đại biểu này, đại biểu kia không được vào danh sách. Về việc này, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Lê Thị Kim Oanh phân tích, MTTQ thành phố đã thực hiện quy trình 5 bước, 3 lần hiệp thương đúng luật, dân chủ, chặt chẽ, tuy nhiên để bảo đảm cơ cấu, chất lượng đại biểu ứng cử hài hòa nhất, Mặt trận cũng phải dùng đến phương án "bó đuốc chọn cột cờ", trên cơ sở giữa các đại biểu ngang bằng trình độ, kiến thức thì chọn người tiêu biểu và mang tính đại diện, tầm ảnh hưởng lớn hơn.
Đến nay, MTTQ các cấp đã hoàn thành nhiệm vụ tổ chức hiệp thương. Đây là tiền đề thuận lợi để MTTQ các cấp tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bầu cử và giám sát để cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng luật, thực sự là ngày hội của toàn dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.