Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Đau đáu tìm mô hình phù hợp

Thiện - Hà| 31/03/2023 06:35

(HNM) - Quy định về công nhận tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội được ban hành từ năm 2005, đến nay đã gần 18 năm. Cùng với đó, mô hình tuyến phố kiểu mẫu đã được triển khai ở một số nơi, nhưng kết quả chưa thực sự rõ nét. Để phát triển đô thị bền vững, các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục “gạn đục khơi trong” để tìm ra mô hình phù hợp với thực tế. Đây là nỗi niềm đau đáu của nhiều địa phương hiện nay.

Phố Đình Thôn (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) vẫn chưa đạt tiêu chí tuyến phố văn minh đô thị bởi một số đoạn vỉa hè không được sử dụng đúng mục đích.

Cần được sơ kết, tổng kết

Ở khu vực nội thành, vỉa hè vừa phải bảo đảm yêu cầu phong quang, sạch sẽ, tách biệt không gian cho người đi bộ nhưng vẫn dành phần phát triển kinh tế - xã hội, nên việc đạt tiêu chí tuyến phố văn minh đô thị là thách thức lớn.

Ngay với tuyến phố thí điểm văn minh đô thị Đình Thôn (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm), dù địa phương rất tâm huyết, nhưng sau hơn 6 năm triển khai, đến nay vẫn chưa thu được “trái ngọt”, bởi một số đoạn vỉa hè không được sử dụng đúng mục đích. Còn với tuyến phố Lê Trọng Tấn (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) - vốn được kỳ vọng sẽ trở thành “kiểu mẫu” khi hệ thống biển quảng cáo được “khoác đồng phục”; vỉa hè được quy hoạch gọn gàng... Tuy nhiên, sau quá trình hoạt động (từ năm 2016 đến nay), những nét “kiểu mẫu” đã có phần nhạt nhòa...

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Khương Mai Trần Xuân Duy, thành phố chưa ban hành tiêu chuẩn chính thức về tuyến phố kiểu mẫu nên quá trình duy trì ở cơ sở gặp nhiều khó khăn. “Đề nghị các cơ quan chức năng khảo sát, nghiên cứu, đoạn phố nào đủ điều kiện thì cấp phép điểm trông giữ xe; đồng thời, cắm biển cấm dừng, đỗ xe, làm căn cứ cho lực lượng chức năng xử lý vi phạm”, ông Trần Xuân Duy đề xuất.

Cùng thời điểm triển khai tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân đã lập kế hoạch xây dựng 11 tuyến ngõ, phố văn minh đô thị với 9 tiêu chí, được rút gọn so với tiêu chí xây dựng tuyến phố văn minh của thành phố nhằm phù hợp với thực tế. Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Thanh Xuân Nguyễn Duy Linh nêu vấn đề: Đã đến lúc cơ quan chức năng cần sơ kết, tổng kết về quá trình triển khai tuyến phố văn minh, kiểu mẫu. Từ đó, các địa phương sẽ rút kinh nghiệm để tiếp tục nhân rộng những mặt được; nhận diện những hạn chế, tồn tại...

Tiếp tục tìm giải pháp

Vui mừng vì địa phương vừa có tuyến phố được công nhận là tuyến phố văn minh đô thị, nhưng Phó Chủ tịch UBND phường Phú La (quận Hà Đông) Lê Trung Dũng cũng không giấu được nỗi lo: “Để phố Quang Trung được công nhận là tuyến phố văn minh đô thị, cả hệ thống chính trị của phường đã cùng vào cuộc với quyết tâm rất lớn. Tuy nhiên, khi đã đạt rồi, việc duy trì tuyến phố văn minh cũng rất khó, bởi nguồn kinh phí không có, trong khi nhân lực làm công tác trật tự đô thị của phường lại rất mỏng”.

Hiệu ứng tích cực từ tuyến phố văn minh đô thị cần được lan tỏa, trong đó, sự phối kết hợp giữa các địa phương thực sự rất quan trọng. Là tuyến phố văn minh xuyên suốt quận Hà Đông, phố Quang Trung nối liền địa bàn 6 phường: Yết Kiêu, Nguyễn Trãi, Hà Cầu, Quang Trung, Phú La, La Khê. Đây vừa là thuận lợi, nhưng cũng là khó khăn của quận. Thuận lợi là các phường cùng chung quyết tâm, hành động để xây dựng và duy trì tuyến phố văn minh. Về khó khăn, đây là tuyến phố kinh doanh nhộn nhịp, nên việc “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” đòi hỏi các phường phải cùng bố trí lực lượng để trật tự đô thị được duy trì...

Còn với các địa phương ở ngoại thành, nỗi lo nằm ở chỗ không có kinh phí để đồng bộ hạ tầng, chỉnh trang tuyến phố. Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Đan Phượng Phạm Văn Khôi đề xuất: Các quy định về tuyến phố văn minh đô thị được ban hành đã lâu, hiện nay, các điều kiện phát triển đô thị khác rất nhiều. Huyện mong muốn các cấp, ngành thành phố có hướng dẫn cụ thể theo hướng phù hợp và bám sát đặc thù từng vùng, miền...

Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, để xây dựng và duy trì tuyến phố văn minh đô thị, vấn đề trật tự đô thị là rất quan trọng. Cần lưu ý, vỉa hè vừa phải dành cho người đi bộ, nhưng cũng phải để phát triển kinh tế. Hà Nội có đặc điểm “làng, xã trong thành phố” nên vấn đề này cần phải được nghiên cứu rất kỹ để có giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong giữ gìn và xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Đồng thời, tiếp tục nâng cao vai trò quản trị và trách nhiệm của từng địa phương...

Trong sự chuyển động không ngừng của đô thị, các địa phương vẫn đau đáu tìm lời giải cho “bài toán” tuyến phố văn minh, kiểu mẫu, tiến tới mục tiêu xây dựng Hà Nội hiện đại, xứng tầm. Song, trước khi các cấp, ngành xem xét một cách tổng thể, toàn diện, thì mỗi địa phương cần làm tròn trách nhiệm theo phân cấp quản lý đô thị và hướng đến đối tượng thụ hưởng là người dân... Tin rằng, đây sẽ là một phần của giải pháp để mở ra những tuyến phố văn minh, vì một Thủ đô phát triển bền vững.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Đau đáu tìm mô hình phù hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.