(HNM) - Những năm gần đây, nông nghiệp Thủ đô đã có nhiều khởi sắc, nhưng về cơ bản chưa có sự thay đổi về chất, tăng trưởng chưa bền vững, khả năng cạnh tranh thấp, quan hệ sản xuất trong nông nghiệp chậm đổi mới...
LTS: Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội khẳng định: "Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ hiện đại và kỹ thuật sản xuất tiên tiến, tạo ra sản phẩm sạch, có chất lượng cao. Mở rộng các vùng chuyên canh, các vành đai xanh, các tuyến nông nghiệp sinh thái và xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch...". Hà Nội đã và đang xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung nhằm đưa khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, công tác dự báo thị trường gần như không có dẫn tới tình trạng cung vượt cầu khiến "đầu ra" luôn ở trạng thái căng như "dây đàn". Xây dựng vùng sản xuất tập trung là hướng phát triển tất yếu, nhưng cùng với đó phải có những giải pháp căn cơ.
Bài 1: Có chính sách, nhưng khó triển khai
Những năm gần đây, nông nghiệp Thủ đô đã có nhiều khởi sắc, nhưng về cơ bản chưa có sự thay đổi về chất, tăng trưởng chưa bền vững, khả năng cạnh tranh thấp, quan hệ sản xuất trong nông nghiệp chậm đổi mới... Trước thực trạng đó, Hà Nội đã xây dựng một số chương trình, đề án và cơ chế chính sách nhằm công nghiệp hóa nông nghiệp, nhưng triển khai thực hiện còn gặp không ít rào cản.
Cam Canh, loại cây cho giá trị cao được trồng tại xã Kim An, huyện Thanh Oai. Ảnh: Bá Hoạt |
Đã hình thành nhiều vùng sản xuất lớn
Việc mở rộng địa giới hành chính (năm 2008) tạo cho Hà Nội những lợi thế mới để phát triển nền nông nghiệp toàn diện. Đất đai rộng lớn, sự đa dạng của các vùng sinh thái như: Đồng bằng, đồi gò... phù hợp cho việc phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Nông nghiệp Hà Nội có nhiều khởi sắc nhưng thu nhập và đời sống của người dân làm nông nghiệp còn thấp. Nguyên nhân là do sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu ổn định, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch chậm, chưa đồng đều, năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao...
Năm 2008, Sở NN&PTNT đã xây dựng và tham mưu với thành phố phê duyệt các quy hoạch, chương trình, đề án về phát triển các lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó có quy hoạch phát triển thủy sản, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm. Đồng thời, xây dựng 7 chương trình, đề án, trong đó có: Chương trình lúa hàng hóa chất lượng cao; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; đề án phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư; sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; đề án phát triển cây ăn quả giá trị kinh tế cao; phát triển hoa, cây cảnh. Đến nay, Hà Nội đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn như: Vùng hoa ở Bắc Từ Liêm, Mê Linh; rau an toàn ở Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức; vùng chăn nuôi bò tập trung ở Ba Vì, Gia Lâm, Đông Anh; chăn nuôi gia cầm ở Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Chương Mỹ…; thủy sản ở Thanh Trì, Ứng Hòa; lúa chất lượng cao ở Chương Mỹ, Thanh Oai…
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho biết, thực hiện đề án phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, đến nay đàn bò sữa của huyện tập trung ở các xã Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh đạt 8.000 con, chiếm 65% tổng đàn bò sữa của toàn thành phố, sản lượng sữa đạt 26,5 nghìn tấn. Chăn nuôi bò sữa trở thành một nghề cho thu nhập khá (400-500 triệu đồng/năm). Cùng với chăn nuôi bò sữa, huyện Ba Vì cũng chú trọng phát triển đàn bò thịt với hơn 42.000 con, trong đó có nhiều giống bò cho giá trị kinh tế cao như bò BBB, Angus, Zebn...
Còn ông Hoàng Văn Thám - Phó phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất quy mô lớn như: Chăn nuôi ở các xã Thanh Bình, Tốt Động; lúa hàng hóa chất lượng cao ở xã Trần Phú; rau an toàn ở thị trấn Chúc Sơn… Nhìn chung sản phẩm nông nghiệp ở các vùng tập trung mang lại hiệu quả hơn so với sản xuất tự phát, manh mún nhỏ lẻ.
Dang dở vì thiếu vốn
Ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, thực hiện đề án chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, đến nay đã phát triển được 15 vùng chăn nuôi gồm: 2 vùng chăn nuôi bò sữa, 4 vùng chăn nuôi lợn, 9 vùng chăn nuôi gia cầm, thủy cầm và 76 xã chăn nuôi trọng điểm gồm: 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt; 13 xã chăn nuôi lợn và 29 xã chăn nuôi gia cầm, 3.357 trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư gồm: 42 trại chăn nuôi bò sữa; 105 trại chăn nuôi bò thịt, 835 trại chăn nuôi lợn và 2.381 trại chăn nuôi gia cầm. Khu chăn nuôi tập trung ở các huyện, xã dù đã được quy hoạch nhưng xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn là cả vấn đề và cũng chưa có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư công nghệ cao vào sản xuất. Theo ông Nguyễn Trọng Long - Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi dịch vụ Hoàng Long (Thanh Oai), hiện hầu hết các khu chăn nuôi tập trung, người dân vẫn tự đầu tư từng năm, theo kiểu chắp vá vì không có kinh phí. Cơ chế, chính sách thiếu đột phá, chậm được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng nêu trên.
Phó phòng Chăn nuôi (Sở NN&PTNT) Nguyễn Văn Minh cho rằng: Cơ sở hạ tầng nông nghiệp đã được thành phố quan tâm, tuy nhiên so với yêu cầu phát triển thì vốn đầu tư vẫn còn ở mức thấp, nhất là phát triển nông nghiệp chất lượng cao theo hướng hàng hóa. Chẳng hạn như: Thực hiện Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản, đến nay thành phố đã đầu tư phát triển được một số vùng nuôi trồng tập trung có quy mô lớn tại các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thường Tín, Thanh Oai, Thanh Trì… Tuy nhiên, việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ở các vùng nuôi trồng thủy sản còn rất thiếu nên hầu hết dự án đều triển khai dang dở.
Còn theo ông Đặng Bá Thắng, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì: Thực hiện Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn của TP Hà Nội, đến nay vùng sản xuất rau an toàn tại HTX Đại Lan đã được gắn tem nhận diện, nhưng việc tiêu thụ ổn định qua siêu thị và các doanh nghiệp rất ít. Dù được quy hoạch vùng rau an toàn nhưng mỗi hộ sở hữu một thửa ruộng riêng, bình quân mỗi hộ chỉ 2 sào nên khó khăn cho việc quản lý, giám sát.
Có thể nói, việc hình thành các chuỗi trong nông nghiệp đã có nhưng còn hạn chế. Nhà nước chưa có chính sách khuyến khích, thu hút đối với doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp nên không tạo được bước đột phá về nông nghiệp công nghệ cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.