Trong những năm qua, huyện Chương Mỹ đã tập trung phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, giảm sức lao động cho nông dân và đạt hiệu quả kinh tế.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Tống Văn Thái, để giúp nông dân đổi mới phương thức trồng trọt, chăn nuôi theo hướng an toàn và ứng dụng khoa học, công nghệ, từ năm 2019 đến năm 2023, toàn huyện đã tổ chức được 412 lớp tập huấn kỹ thuật cho gần 36.000 lượt nông dân. Nhờ đó, các hộ đã nắm vững kiến thức về xử lý môi trường, chế phẩm sinh học; áp dụng khoa học, kỹ thuật trong chăm sóc, phòng trừ các loại sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi; đồng thời truyền đạt, phổ biến cho gia đình khác về kỹ thuật sản xuất để đạt hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú là mô hình nông nghiệp hữu cơ kiểu mẫu của huyện Chương Mỹ, sở hữu sản phẩm lúa gạo đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 4 sao và tiêu chuẩn USDA của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú Trịnh Thị Nguyệt cho biết, hợp tác xã ứng dụng khoa học, công nghệ trong quá trình sản xuất lúa, nhằm kiểm soát chất lượng và tạo ra sản phẩm đáp ứng các tiêu chí gắt gao do tổ chức USDA đưa ra. Các nguồn đất, nước đều được kiểm tra dư lượng kim loại nặng, áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, không có sự tham gia của các chất hóa học, chất bảo quản. Đặc biệt, hệ thống nước tưới trước khi dẫn vào ruộng đều được chảy qua các cửa cống, có đặt than hoạt tính, lúa được kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch. Toàn bộ quá trình sản xuất đều được ghi chép đầy đủ qua hệ thống camera và sổ sách; trong đó camera giám sát được lắp đặt trên cánh đồng, giúp hợp tác xã cập nhật thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc, quy trình sản xuất lúa hữu cơ…
Cùng với đó, huyện Chương Mỹ cũng thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nhờ đó đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đưa công nghệ cao, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp và đạt được kết quả đáng khích lệ. Theo đó, trên địa bàn huyện bước đầu hình thành và mở rộng các vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, như sản xuất lúa chất lượng cao, rau an toàn, hoa, cây cảnh, cây ăn quả…
Ông Nguyễn Huy Tích, xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) chia sẻ, để sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, các hộ trồng bưởi được tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ… Ngoài ra, hợp tác xã còn được các cơ quan chức năng thành phố hỗ trợ xây dựng một nhà sơ chế và kho bảo quản bưởi an toàn; được lắp đặt hệ thống tưới phun trên diện tích 7ha, giúp cây trồng phát triển tốt...
Đến nay, huyện Chương Mỹ đã hình thành 10 mô hình ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao, như: Nuôi cấy mô và hệ thống điều hòa, điều khiển nhiệt độ trong nhà kính để sản xuất hoa lan hồ điệp tại xã Thụy Hương, quy mô 0,5ha; sản xuất bưởi Diễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho vùng đồi gò; ứng dụng tự động hóa (sử dụng máy bay không người lái) trong phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sinh vật gây hại cho lúa tại vùng sản xuất lúa hàng hóa chuyên canh tập trung; ứng dụng hệ thống chưng cất tinh dầu đa nguyên liệu tại vùng sản xuất bưởi xã Nam Phương Tiến, bước đầu sản xuất được tinh dầu hoa bưởi…
Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Tống Văn Thái khẳng định, việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần xây dựng nền nông nghiệp của huyện phát triển toàn diện theo hướng sinh thái, hiện đại, sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Từ đó, tạo uy tín, giúp kết nối người nông dân với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, mở ra cơ hội hình thành các chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, giúp nâng cao thu nhập trên diện tích canh tác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.