Nhằm hướng tới nền nông nghiệp xanh và bền vững, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn kiến thức về sản xuất nông nghiệp an toàn cho nông dân.
Các lớp học đã giúp nông dân có thêm kiến thức để sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y… đúng cách, từ đó góp phần quan trọng tạo nguồn cung thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Thay đổi tập quán canh tác
Thực tế cho thấy, sản xuất an toàn không những đáp ứng lợi ích của người tiêu dùng, mà còn khẳng định uy tín và nâng cao giá trị sản phẩm.
Bà Lê Thị Thảo ở xã Xuân Dương (huyện Thanh Oai) cho biết, hằng năm, trước khi bước vào vụ sản xuất mới, chính quyền địa phương đều tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng an toàn và khuyến cáo những tác hại khi sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định. “Nhận thức được tầm quan trọng của sản xuất nông sản an toàn, nên trong trồng lúa hay trồng rau, gia đình tôi đều ưu tiên chọn những loại phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cho phép sử dụng của cơ quan chức năng”, bà Lê Thị Thảo chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Sáu, ở xã Thư Phú (huyện Thường Tín) thông tin, nhờ chính quyền địa phương quan tâm tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất an toàn, nên gia đình ông đã biết cách thả cá giống và chăm sóc sao cho cá ít bị bệnh, đạt năng suất, chất lượng cao.
Cũng như ông Nguyễn Bá Sáu, thời gian qua, nhiều nông dân ở huyện Thường Tín đã được tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức sản xuất nông nghiệp an toàn. Các lớp tập huấn này được huyện Thường Tín phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức, giới thiệu và hướng dẫn nông dân các kỹ thuật sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; cách ghi chép sổ nhật ký các công đoạn từ sản xuất đến sơ chế, chế biến sản phẩm.
Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Vũ Thị Hương cho biết, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã phối hợp với các địa phương tăng cường tập huấn, truyền thông, nâng cao nhận thức cho nông dân về đổi mới tư duy từ "sản xuất nông nghiệp" sang "phát triển kinh tế nông nghiệp" theo chuỗi giá trị nông sản; thay đổi phương thức quản lý, sử dụng và kinh doanh vật tư nông nghiệp, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, có trách nhiệm.
"Chỉ tính riêng năm 2023, trung tâm đã tổ chức 100 lớp tập huấn kiến thức sản xuất nông nghiệp an toàn cho gần 7.000 người trên địa bàn các quận, huyện, thị xã của thành phố giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác, đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, tạo ra chuỗi nông sản chất lượng, có đầu ra ổn định, đem lại giá trị, thu nhập cao…", bà Vũ Thị Hương nói.
Tiếp tục đổi mới nội dung tập huấn
Trên thực tế, với yêu cầu của thị trường ngày càng khắt khe, người nông dân muốn tiêu thụ được hàng hóa phải làm ra những sản phẩm an toàn. Đây cũng là xu thế tất yếu và bắt buộc để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, cộng đồng.
Để có được nhiều mô hình nông dân sản xuất an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, việc đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, nhận thức cho nông dân là hết sức quan trọng. Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh Nguyễn Thị Chinh, trong thời gian tới, thông qua chương trình khuyến nông, công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp an toàn cho nông dân sẽ được trung tâm lựa chọn, đổi mới nội dung, phù hợp với từng vùng, lĩnh vực sản xuất và đối tượng cụ thể. Cùng với đó, trung tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tập huấn; thực hiện tập huấn hiện trường, theo phương pháp “cầm tay, chỉ việc”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho hay, trong năm 2024, trung tâm sẽ tiếp tục đổi mới nội dung tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp đủ năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để trở thành chuyên gia tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Một điểm mới nữa là tại các buổi tập huấn sẽ có các chuyên gia, nhà khoa học trực tiếp đứng lớp giảng bài, giải đáp vướng mắc cho nông dân về quá trình sản xuất nông nghiệp.
“Nội dung các buổi tập huấn sẽ đi vào từng lĩnh vực cụ thể, hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết quy trình, kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi và phù hợp với khả năng tiếp thu của người nông dân để dễ dàng áp dụng vào thực tiễn, qua đó hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, cho hiệu quả kinh tế cao”, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.