Nông nghiệp

Thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Ngọc Quỳnh 09/03/2024 - 06:56

100% diện tích cấy lúa vụ xuân năm nay của thành phố Hà Nội được cơ giới hóa trong khâu làm đất và hơn 10% diện tích lúa được cấy bằng máy (cao nhất từ trước đến nay). Hà Nội xác định tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, phấn đấu đến năm 2025, những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung cơ bản được cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ.

co-gioi.jpg
Cấy lúa vụ xuân bằng máy tại xã Nam Tiến (huyện Phú Xuyên). Ảnh: Hương Giang

Tăng năng suất, tiết giảm chi phí

Vụ xuân năm 2024, xã Thạch Đà (huyện Mê Linh) có 10,5ha lúa sử dụng máy cấy mạ khay, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái. Hiện cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh Nguyễn Thị Chinh, việc sử dụng máy cấy giúp tăng 40% năng suất và giảm 30% chi phí so với phương pháp cấy lúa truyền thống (bằng tay).

Tương tự, huyện Thạch Thất cũng đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Trần Đức Thanh, vụ xuân năm 2024, huyện hỗ trợ 50% kinh phí cho hợp tác xã nông nghiệp các xã Đại Đồng, Hương Ngải, Dị Nậu, Thạch Xá, Hạ Bằng… mua 6 máy cấy bằng nguồn kinh phí cấp bổ sung của thành phố để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, số diện tích gieo cấy vụ xuân 2024 bằng máy lên tới 388ha, tăng 154ha so với vụ xuân năm trước.

Bà Nguyễn Thị Nụ ở xã Nam Phong (huyện Phú Xuyên) chia sẻ, vụ xuân năm nay gia đình bà cấy hơn 7 mẫu lúa. Nhờ việc cơ giới hóa từ khâu làm đất, cấy máy, gặt máy, đến phun thuốc bảo vệ thực vật nên gia đình bà bớt vất vả hơn những năm trước. Do có nhiều thời gian nông nhàn nên người dân có thể làm thêm các nghề phụ, giúp nâng cao thu nhập cho gia đình.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn thành phố có 5.676 máy làm đất, 990 máy phun thuốc bảo vệ thực vật, 877 máy gặt đập liên hợp... “Lúa được sản xuất theo mô hình cơ giới hóa đồng bộ, không chỉ tăng năng suất, mà còn giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm giống, thuốc bảo vệ thực vật, giảm tổn thất sau thu hoạch khoảng 2-3%, bảo đảm tính thời vụ”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết.

Tiếp tục hỗ trợ và nhân rộng

Hiệu quả đã rõ, song việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn gặp không ít khó khăn. Nông dân khó tiếp cận với máy móc hiện đại do trong nước chưa có nhiều doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị nông nghiệp, chủ yếu là hàng nhập khẩu từ nước ngoài nên giá bán cao. Ngoài ra, do sản xuất nông nghiệp phụ thuộc lớn vào thiên nhiên, mang tính rủi ro cao, nên chưa thu hút được các hộ cá nhân tham gia vào quá trình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp…

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hòa (huyện Quốc Oai) Hoàng Văn Quỳ, với tình hình thực tế như hiện nay, các địa phương rất cần được hỗ trợ thành lập trung tâm sản xuất mạ khay đồng bộ ở tất cả các khâu; tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu cho nông dân sử dụng máy móc, thiết bị, cách sửa chữa máy cấy... Cùng với đó, hỗ trợ các hợp tác xã trong giải quyết thủ tục hành chính để được hưởng chính sách tại Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 4-7-2023 của HĐND thành phố Hà Nội quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội.

Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung cơ bản được cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ. Cụ thể, cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 100%, khâu gieo cấy 15%, khâu chăm sóc 60%, khâu thu hoạch 95%... Để hoàn thành mục tiêu này, thành phố Hà Nội hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân 100% phí quản lý khi mua các loại máy, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp thông qua hợp đồng vay vốn của Quỹ Khuyến nông thành phố và 100% lãi suất vay theo hợp đồng vay vốn...

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NN&PTNT) Lê Quốc Thanh cho rằng, thành phố Hà Nội cần tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp với máy móc, thiết bị cơ giới hóa. Cùng với đó, phát triển công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị, công nghệ và công nghiệp hỗ trợ cho cơ giới hóa nông nghiệp... Có như vậy chương trình cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp mới thành công và hạn chế được những rủi ro trong sản xuất.

van-truong.jpg

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì Nguyễn Văn Trường:
Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ

Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Ba Vì ngày càng cao; trong đó khâu làm đất đạt gần 99%, tưới tiêu nước chủ động gần 100%, khâu chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh đạt 95%, khâu thu hoạch lúa 98%, khâu vận chuyển đạt 91%. Nhờ đó, đã góp phần giải phóng sức lao động cho người nông dân, gia tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp mới chỉ ở một số khâu và áp dụng với một số sản phẩm chủ lực. Công nghệ bảo quản tiên tiến chưa được nghiên cứu, chuyển giao áp dụng nhiều trong sản xuất, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch của một số ngành hàng còn cao...

Để thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương cần phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp với máy móc, thiết bị cơ giới hóa; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển giao máy móc sản xuất nông nghiệp.

phi-duc.jpg

Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh, thương mại tổng hợp Dương Liễu (huyện Hoài Đức) Nguyễn Phi Đức:
Cơ giới hóa là con đường tất yếu

Hiện tại, số lao động làm nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 20-30% tổng số lao động nông thôn; một số địa phương ven đô như xã Dương Liễu với ngành nghề phát triển, lao động thuần nông chỉ còn khoảng 10%, chủ yếu là người nhiều tuổi. Nguyên nhân là do lao động trẻ dễ dàng kiếm được việc làm khác, với thu nhập cao hơn, nên dần bỏ ruộng.

Để người làm nông nghiệp nói chung, trồng lúa nói riêng bám đồng ruộng, sản xuất có lãi thì cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm mạ, cấy, chăm sóc đến thu hoạch gắn với bộ giống lúa chất lượng cao là đòi hỏi tất yếu. Thực tế đã có nhiều hợp tác xã làm tốt vai trò cung ứng dịch vụ cơ giới hóa, như làm đất, cấy máy, phun thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc lúa, cây ăn quả từ các máy nông nghiệp chuyên dụng. Từ đó, nông dân không còn phải lao động tay chân vất vả, chính quyền địa phương không phải lo đồng ruộng bỏ hoang, lãng phí tài nguyên đất đai...

dinh-huy.jpg

Ông Tạ Đình Huy, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ:
Chú trọng đào tạo nhân lực cơ giới hóa nông nghiệp

Tôi đã tìm tòi, quan sát công việc của những người nông dân trên đồng ruộng để chế tạo thành công chiếc máy nông nghiệp đầu tiên. Lúc đầu, máy chỉ có chức năng cày xới đất, sau đó là thêm chức năng bơm tưới nước và phun thuốc bảo vệ thực vật. Qua nhiều năm tiếp tục nghiên cứu, tôi đã bổ sung thêm 4 công năng: Đào bùn cà phê, đảo phân vi sinh, cấy lúa, di chuyển vật nặng trong vườn. Người điều khiển máy có thể làm sạch 5 mẫu cỏ trong buổi sáng, phun thuốc bảo vệ thực vật cho 1ha chỉ trong vòng 30 phút...

Đối với thị trường máy nông nghiệp, do phát triển tự phát, người bán và mua công nghệ không có thông tin của nhau. Các sản phẩm cơ khí trong nước sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu cơ khí hóa, hiện đại hóa, cơ giới hóa của nông dân. Do vậy, nhà nước cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị; đồng thời chú trọng đào tạo nhân lực cơ giới hóa nông nghiệp...

Bạch Thanh ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.