Theo dõi Báo Hànộimới trên

Australia: Bước đi mới ứng phó với khủng bố

Minh Hiếu| 16/12/2018 07:45

(HNM) - Australia vừa thông qua một đạo luật đáng chú ý, cho phép các cơ quan chức năng truy cập những thông điệp, tin nhắn được mã hóa trên mạng xã hội.


Tương tự nhiều quốc gia phương Tây, một trong những khó khăn lớn mà Australia gặp phải trong quá trình điều tra và ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố là thông tin liên lạc mà những kẻ tình nghi sử dụng đã được mã hóa. Chính phủ các nước lập luận, các dịch vụ có chức năng mã hóa tin nhắn đang ngày càng phổ biến và được những kẻ này lợi dụng để liên lạc, kết nối với nhau hòng dễ dàng qua mặt các nhà chức trách.

Theo Cơ quan an ninh mạng Australia, hơn 95% nghi phạm khủng bố ở nước này sử dụng thông tin liên lạc được mã hóa. Bởi vậy, cơ quan hành pháp cần được phép tiếp cận và truy cập cơ sở dữ liệu với mục đích kiểm soát các luồng thông tin tình nghi, lần ra dấu vết của những kẻ khủng bố và bảo đảm an toàn cho cộng đồng, đồng thời xây dựng những quy định chặt chẽ hơn đối với các công ty công nghệ để nâng cao trách nhiệm của họ trong công cuộc phòng chống tội phạm, khủng bố.

Với đạo luật mới được thông qua, nhà chức trách Australia có quyền yêu cầu không chỉ Facebook hay Google mà cả những cái tên đình đám khác của làng công nghệ là Instagram, Reddit, Twitter, WhatsApp, Signal, Telegram... cho phép truy cập vào mọi nội dung đã được mã hóa. Các công ty này phải hợp tác chia sẻ thông tin theo 3 cấp độ. Ở cấp độ 1, chính quyền sẽ gửi yêu cầu trợ giúp tự nguyện vì mục đích an ninh quốc gia tới các công ty công nghệ. Sang cấp độ 2, nhà chức trách yêu cầu công ty công nghệ cung cấp bộ giải mã nếu có. Còn ở cấp độ thứ 3 và cũng là trường hợp nghiêm trọng nhất, người đứng đầu cơ quan tư pháp liên bang sẽ ra thông báo yêu cầu các công ty phải xây dựng một công cụ giải mã nhằm trợ giúp cho quá trình thực thi pháp luật. Dự luật cũng quy định mức phạt lên đến 7,3 triệu USD đối với tổ chức và phạt tù đối với cá nhân không cung cấp dữ liệu liên quan đến hoạt động tình nghi bất hợp pháp.

Tuy vậy, các công ty công nghệ cho rằng, việc làm suy yếu mã hóa sẽ mở ra cánh cửa cho tin tặc xâm nhập và tạo ra những nguy cơ an ninh mới. Trong tuyên bố phản hồi dự luật, Facebook, Google, Amazon, Twitter... khẳng định sẵn sàng hợp tác để tăng cường an ninh quốc gia và mang lại môi trường an toàn hơn cho người dân. Song việc cung cấp thông tin đã được mã hóa có thể gây ảnh hưởng tới các ứng dụng mà hàng triệu người Australia đang sử dụng hằng ngày. Các nhà hoạt động nhân quyền cũng cho rằng, quyền riêng tư và quyền tự do ngôn luận sẽ chịu ảnh hưởng lớn khi các cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan tình báo có khả năng tiếp cận những giao tiếp riêng tư của người dân.

Dự luật về thông tin mã hóa sẽ có hiệu lực trước Giáng sinh này. Giữa những tranh cãi chưa có hồi kết, Bộ trưởng Tư pháp và An ninh mạng Australia Angus Taylor vẫn khẳng định đây là biện pháp thiết yếu để thực thi pháp luật trong kỷ nguyên số, bảo đảm luật pháp bắt kịp và thích nghi nhanh chóng với hiểm họa trực tuyến từ những đối tượng muốn gây tổn hại tới quốc gia này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Australia: Bước đi mới ứng phó với khủng bố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.