(HNM) - Ai Cập vừa vượt qua cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp gây tranh cãi. Theo số liệu không chính thức, kết quả vòng một cuộc trưng cầu dân ý (ngày 15-12) vừa công bố cho thấy, 57% ủng hộ bản Hiến pháp mới.
Tổng hợp kết quả mới nhất trong kỳ nghỉ cuối tuần qua cho thấy, có 63,5% cử tri ủng hộ dự thảo Hiến pháp mới. Kết quả thăm dò ngoài phòng bỏ phiếu do Mặt trận Cứu quốc (NSF), liên minh gồm các chính trị gia và các nhóm đối lập hàng đầu ở Ai Cập, cũng cho thấy bản Hiến pháp mới đã được đa số người dân ủng hộ.
Như vậy, chắc chắn Ai Cập sẽ thông qua dự thảo Hiến pháp. Phe Hồi giáo bảo thủ, ủng hộ dự thảo Hiến pháp mới, coi đây là điều kiện cần thiết để khôi phục ổn định ở Ai Cập sau làn sóng nổi dậy hồi đầu năm 2011 lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak. Tuy nhiên, với những động thái đang diễn ra tại xứ Kim tự tháp, giới quan sát vẫn cho rằng "cơn sóng ngầm" chưa nguôi tại quốc gia Bắc Phi.
Bởi lẽ, ngay sau cuộc bỏ phiếu cuối cùng kết thúc (ngày 23-12), NSF tuyên bố sẽ khiếu nại kết quả khi cho rằng có sự gian lận. NSF nêu rõ, sẽ tập hợp những bằng chứng vi phạm trong quá trình trưng cầu ý dân và gửi văn bản này đến Tổng Công tố. Các thành viên NSF cũng khẳng định sẽ "tiếp tục đấu tranh" để phản đối "một Hiến pháp không hợp lệ" vì những sai phạm trong quá trình trưng cầu ý dân và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp. Trước đó, cùng thời điểm diễn ra cuộc bỏ phiếu đợt hai, Phó Tổng thống Ai Cập M.Mekki đã tuyên bố từ chức với lý do "công việc chính trị không phù hợp với nghề nghiệp thẩm phán của mình". Ông M.Mekki, 58 tuổi, là một thẩm phán có uy tín trước khi được Tổng thống M.Morsi bổ nhiệm làm Phó Tổng thống hồi tháng 8-2012, từng tuyên bố mong muốn là một người độc lập về chính trị, là người đi đầu trong ngành tư pháp chống lại Tổng thống bị lật đổ H.Mubarak. Vì thế, dư luận cho rằng, sự ra đi này sẽ tác động nhiều tới chính trường Ai Cập đang trong cơn khủng hoảng Hiến pháp.
Kết quả trưng cầu dân ý dù thế nào đi nữa cũng sẽ khó giúp Ai Cập chấm dứt bế tắc chính trị hiện nay mà có thể còn làm sâu sắc thêm mối bất đồng trên chính trường. Phe đối lập chỉ trích dự thảo Hiến pháp khi khẳng định văn bản này sẽ chia rẽ đất nước và tuyên bố tiếp tục biểu tình đòi hủy bỏ kết quả. Giới phân tích cho rằng, điểm mấu chốt gây mâu thuẫn chính là chủ trương đưa Ai Cập theo chính sách nhà nước Hồi giáo thể hiện trong dự thảo. Theo đó, các chương đều mang đậm dấu ấn của các nguyên tắc Hồi giáo. Bản dự thảo do Phong trào Anh em Hồi giáo (MB), Tổng thống M.Morsi soạn thảo nếu thông qua sẽ trao quyền nhiều hơn cho các giáo sĩ Hồi giáo giám sát luật, hạn chế tự do ngôn luận, quyền phụ nữ và nhiều quyền khác... Phe đối lập từng nổi giận với Tuyên bố Hiến pháp của Tổng thống M.Morsi ngày 22-11 vừa qua khi quyết định khôi phục điều tra các vụ sát hại và âm mưu sát hại những người biểu tình trong cuộc nổi dậy lật đổ chế độ của Tổng thống H.Mubarak năm 2011; quy định các cơ quan tư pháp không có quyền giải tán Hội đồng lập hiến hoặc Hội đồng Shura (Thượng viện); đồng thời không có quyền phủ quyết, bãi bỏ hoặc sửa đổi bất cứ điều luật, tuyên bố hay sắc lệnh nào do Tổng thống M.Morsi ban hành kể từ khi ông nhậm chức, ngày 30-6 vừa qua.
Ngay sau khi kết quả sơ bộ được công bố, tối 23-12, Tổng thống M.Morsi đã bổ nhiệm 90 người vào Hội đồng Tư vấn - cơ quan sẽ hưởng quyền lập pháp trong trường hợp dự thảo Hiến pháp được thông qua. Không có thành viên nào của phe đối lập trong danh sách Hội đồng tư vấn này. Quyết định bổ nhiệm "thiếu vắng" như vậy được dự báo sẽ khiến tình hình quốc gia Bắc Phi tiếp tục lâm vào căng thẳng, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Khi các bên của Ai Cập chưa tìm được tiếng nói cũng như lợi ích chung thì cuộc khủng hoảng chính trị tại đất nước của các Pharaoh khó có thể sớm chấm dứt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.