(HNMO) - Sau khi khép lại giai đoạn 1, chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hiện nay đang bắt tay vào việc thực hiện giai đoạn hai của Abenomics, được biết đến với tên gọi Abenomics 2.0 với ba mục tiêu tham vọng mới.
Abenomics giai đoạn 1 bao gồm ba mũi nhọn chính để kích thích tăng trưởng kinh tế, bao gồm: Chính sách nới lỏng tiền tệ nới lỏng, chính sách kích thích tài khóa và chính sách tái cấu trúc nền kinh tế, được kỳ vọng sẽ thổi những luồng gió mới vào nền kinh tế đất nước mặt trời mọc.
Sau khi khép lại giai đoạn 1, chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hiện nay đang bắt tay vào việc thực hiện giai đoạn hai của Abenomics, được biết đến với tên gọi Abenomics 2.0 với ba mục tiêu tham vọng mới, kèm theo đó là không ít thách thức lớn.
Tăng trưởng GDP đột phá
Sau khi tái đắc cử chức Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền, Thủ tướng Shinzo Abe đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP lên mức 600 nghìn tỷ yên (khoảng 5.040 tỷ USD). Nếu điều này trở thành hiện thực, nền kinh tế Nhật Bản sẽ có quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Thủ tướng Shinzo Abe tái đắc cử chức chủ tịch Đảng LDP ngày 8/9. |
Thế nhưng, mục tiêu này dường như quá tham vọng khi trong quý 2 vừa qua, nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng âm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, nếu nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 2%-3%, mức được coi là khả quan nhất trong điều kiện hiện nay, thì phải đến năm 2021 GDP Nhật Bản mới cán mốc 600 nghìn tỷ yên, trong khi nhiệm kỳ của ông Abe sẽ kết thúc vào năm 2018.
Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê được công bố ngày 25/9, chỉ số giá tiêu dùng lõi trong tháng 8 của nước này giảm 0,1%, lần đầu tiên kể từ tháng 4 năm 2013. CPI giảm cho thấy sức mua của người tiêu dùng tiếp tục yếu ớt, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Điều đó đồng nghĩa với việc chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe vẫn còn phải đối mặt với không ít thách thức nhằm ngăn chặn tình trạng giảm phát của nền kinh tế, cũng như đẩy mạnh sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa.
Ngăn chặn đà giảm và già hóa dân số
Thủ tướng Nhật Bản đã cam kết sẽ hỗ trợ tài chính cho các gia đình và đề ra mục tiêu tăng tỷ lệ sinh từ mức 1,4 trẻ/ bà mẹ lên mức trung bình 1,8 trẻ/ bà mẹ. Tờ Nikkei đặt câu hỏi, nguồn tiền mà chính phủ cam kết để hỗ trợ tăng tỷ lệ sinh sẽ lấy từ đâu, sau khi phải chi tiền hỗ trợ hàng triệu người cao tuổi?
Chính phủ Nhật Bản cam kết hỗ trợ tài chính cho các gia đình nhằm nâng cao tỷ lệ sinh con. |
Chuyên gia phân tích Masamichi Adachi tại ngân hàng JP Morgan, chi nhánh Tokyo nhận định: “Ông Shinzo Abe đã khẳng định trọng tâm trong các chính sách của mình là kinh tế, để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Chẳng có gì là sai khi đặt ra mục tiêu như vậy, nhưng làm thế nào để đạt được mục tiêu lại là một câu chuyện khác”.
Việc gia tăng chi tiêu công vào lĩnh vực dân số sẽ khiến nợ công của Nhật Bản, vốn đang ở mức 245% GDP, có thể tiếp tục phình to hơn nữa. IMF cảnh báo, nếu không có những biện pháp kiểm soát chi tiêu, gánh nặng nợ công của chính phủ Nhật Bản có thể sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2030.
Cải thiện an sinh xã hội
Theo số liệu do Bộ Nội vụ Nhật Bản công bố, tính đến ngày 15/9, cả nước Nhật có khoảng 10 triệu người trên 80 tuổi, chiếm 7,9% dân số. Số lượng người trên 65 tuổi cũng chạm mức cao kỷ lục là 33,84 triệu, chiếm 26,7% dân số.
Dân số già hóa đang làm giảm động lực tăng trưởng kinh tế Nhật Bản. |
Trước thực trạng này, ông Abe cam kết sẽ xây dựng thêm nhiều nhà dưỡng lão để ngăn chặn tình trạng người dân trong độ tuổi lao động phải nghỉ việc để chăm sóc bố mẹ già, gây ra tình trạng thiếu hụt lao động, làm giảm động lực phát triển kinh tế. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, nước này sẽ cần hơn 2,5 triệu lao động xây dựng và làm việc trong các nhà dưỡng lão, khiến nguy cơ thiếu hụt lao động trong nền kinh tế có thể sẽ thêm trầm trọng, đó là chưa kể tới sức ép lớn đối với nguồn ngân sách dành cho an sinh xã hội khi chính phủ tăng chi tiêu vào việc xây dựng nhà dưỡng lão, chăm sóc y tế và chi trả bảo hiểm cho người già.
Với những thách thức nêu trên, con đường tới thành công của học thuyết kinh tế Abenomics gồm chấn hưng kinh tế và cải thiện hệ thống an sinh xã hội vẫn còn không ít chông gai. Tuy nhiên, với động thái cải tổ nội các trong tuần trước nhằm xốc lại bộ máy để xúc tiến ngay các chương trình hành động đã đề ra, công với việc Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết mở ra thị trường rộng lớn cho xuất khẩu, Thủ tướng Shinzo Abe được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước hồi phục rõ rệt trong nền kinh tế Nhật Bản trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.