(HNMO) - Ngày 13-7, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo 389/TP) tổ chức hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2022, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo 389/TP dự và chỉ đạo hội nghị.
Lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, buôn bán hàng giả có xu hướng tăng
Theo Ban Chỉ đạo 389/TP, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố cơ bản đã được kiểm soát; không xảy ra tình hình phức tạp về buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả và các hành vi vi phạm về đầu cơ, găm hàng, tăng giá để trục lợi; công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã đạt được những kết quả quan trọng.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389/TP đã thanh tra, kiểm tra 10.556 vụ; xử lý hành chính 9.428 vụ; thu nộp ngân sách 1.145 tỷ 642 triệu đồng; khởi tố 73 vụ, 106 đối tượng.
Điển hình, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (Công an quận Hoàng Mai), Đội Quản lý thị trường số 15 (quận Hoàng Mai) kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại số 19 ngõ 785 đường Nguyễn Khoái, Thanh Trì, Hoàng Mai, do ông Phan Việt Anh là chủ cơ sở kinh doanh.
Toàn bộ hàng hóa tại cơ sở, gồm 12.015 chai thuốc trừ cỏ và 732 can loại 5kg, 20 lít do Trung Quốc sản xuất, không hóa đơn chứng từ được mua trôi nổi ngoài thị trường, sau đó về dán nhãn có tên của các công ty sản xuất mặt hàng thuốc trừ cỏ trong nước như Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật Sài Gòn, Công ty cổ phần Giải pháp công nghiệp Tiên Tiến. Đội Quản lý thị trường số 1 đã chuyển toàn bộ hồ sơ và tang vật cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàng Mai để điều tra, xử lý theo quy định.
Ngoài ra, theo phản ánh của các đại biểu tại hội nghị, hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau.
Trong đó, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Minh Hùng, lợi dụng hoạt động thương mại điện tử (các website, trang mạng xã hội như Facebook, Zalo...), các đối tượng rao bán, quảng cáo, khuyến mãi nhiều mặt hàng giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng; thông qua các công ty chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm dưới hình thức hàng tặng, hàng biếu gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, bắt giữ.
Một số đối tượng sử dụng các căn hộ chung cư, nơi ở làm địa điểm kinh doanh, tập kết hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và có sự thỏa thuận với bảo vệ của các tòa nhà để thông báo, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc tiếp cận kiểm tra và xử lý.
Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng thông tin thêm, hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ có xu hướng tăng. Từ đầu năm đến nay, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện 60 nhóm Facebook kinh doanh kit test nhanh Covid-19 với 47 nhóm công khai và 13 nhóm kín; gỡ bỏ hàng chục nhóm Zalo, Facebook kinh doanh thuốc điều trị Covid-19 trên không gian mạng.
Ngăn chặn tội phạm từ cửa khẩu biên giới
Nêu những khó khăn trong quá trình đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Chu Xuân Kiên cho biết, hệ thống văn bản, chính sách pháp luật và một số nghị định chưa có sự thống nhất trong áp dụng xử lý cũng như xác định hành vi vi phạm dẫn đến lúng túng cho các lực lượng chức năng trong công tác thực thi pháp luật. Hệ thống tra cứu hóa đơn điện tử chưa được triển khai đồng bộ, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan Thuế, Hải quan và các lực lượng chức năng khác dẫn đến hiệu quả kiểm tra, xử lý vụ việc chưa cao...
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng đề nghị, Ban Chỉ đạo 389/TP tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra từ cửa khẩu biên giới, các ga đường sắt liên vận, các cảng hàng không quốc tế… nhằm ngăn chặn tội phạm ngay từ các cửa khẩu biên giới, hạn chế tối đa lượng hàng hóa được thẩm lậu từ biên giới về Hà Nội.
Đồng thời, sửa đổi bổ sung quy định về chế độ hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài chặt chẽ hơn, phải kèm theo hóa đơn chứng từ nhập khẩu ngay trong quá trình lưu thông hàng hóa, không chấp nhận đơn hàng nội địa thông thường, không chấp nhận việc ghi giá thấp giá trị hàng hóa để đối phó với lực lượng chức năng…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo 389 thành phố chỉ đạo, các đơn vị thành viên tăng cường công tác nắm bắt tình hình thị trường, chủ động đối phó với những diễn biến bất thường; áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, nắm bắt thông tin, các phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng nhằm đấu tranh có hiệu quả với tình trạng hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng.
“Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát hoạt động bán hàng online, bán hàng qua mạng; kiểm tra trọng tâm, trọng điểm, kiểm soát chặt chẽ nhóm các mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, tiêu thụ nhiều trong dịp lễ, Tết”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các sở, ngành thành viên, Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; xác định công tác này là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, không có vùng cấm. Tiếp tục làm tốt công tác điều tra cơ bản, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu.
Các lực lượng cũng cần thường xuyên nhận diện các phương thức thủ đoạn mới của các đối tượng lợi dụng để vi phạm và các thủ đoạn mới phát sinh; tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các ga tàu, bến xe, kho hàng, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa số lượng lớn nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.