Sáng 17-5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ X năm 2024.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển ngành và đạt nhiều hiệu quả thiết thực. Kể từ sau hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ IX năm 2023 tại Quảng Ninh, hoạt động liên kết giữa các địa phương ngày một tăng…
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc có vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Ngành Công Thương có đóng góp quan trọng và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của khu vực.
Tuy nhiên, khoảng cách phát triển giữa các địa phương còn lớn, sự phối hợp chưa thường xuyên, nhuần nhuyễn để tận dụng thế mạnh của vùng. Để khắc phục những hạn chế này, cần tăng cường sự liên kết giữa các địa phương trong khu vực, cùng nhau phát triển.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù bối cảnh cho phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, song sản xuất công nghiệp của 28 địa phương khu vực phía Bắc có nhiều chuyển biến tích cực, duy trì đà tăng trưởng khá.
Đáng nói, 25/28 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng dương so với cùng kỳ; 11/28 địa phương tăng trưởng từ 10% trở lên. Một số trung tâm công nghiệp khu vực phía Bắc đã khôi phục đà tăng trưởng công nghiệp như: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội…
Thương mại trong và ngoài nước của các địa phương cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của 28 tỉnh, thành khu vực phía Bắc ước đạt 1.404 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ. 24/28 địa phương trong vùng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương. Các địa phương đạt tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức cao và chiếm tỷ trọng lớn trong toàn khu vực đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ: Hải Phòng đạt 16 tỷ USD, chiếm 13,3%, tăng 21%; Thái Nguyên đạt 17,8 tỷ USD, chiếm 14,7%, tăng 34%; Bắc Giang đạt 16,5 tỷ USD, chiếm 13,7%, tăng 22%...
Cùng đó, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương của các địa phương khu vực phía Bắc cũng đã được triển khai thông suốt, đạt hiệu quả, đóng góp vào sức tăng trưởng khả quan của ngành trong 6 tháng đầu năm.
Tại hội nghị, đại diện ngành Công Thương các tỉnh, thành phố cùng thảo luận, trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước; kiến nghị đề xuất những chế độ, chính sách liên quan và giải pháp hoàn thành nhiệm vụ của ngành trong các lĩnh vực: Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương; công tác kế hoạch và quy hoạch; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, liên kết vùng; phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp ưu tiên có tiềm năng, lợi thế của các địa phương; công tác quản lý và phát triển các cụm công nghiệp; kết nối thị trường, cung - cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; phát triển các loại hình kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ...; tăng cường thu hút và xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng công nghiệp, thương mại; tuyên truyền phổ biến kiến thức, đào tạo hội nhập kinh tế quốc tế, khai thác lợi thế các hiệp định thương mại tự do đã ký kết... Các đại biểu cũng bàn thảo phương thức, cơ chế, các giải pháp và định hình các mối liên kết, hợp tác phát triển ngành Công Thương giữa các địa phương trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ Hội nghị cũng diễn ra hoạt động Công bố và trao cờ đăng cai tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XI, năm 2025.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.