Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội: Bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng

Thanh Hiền| 29/03/2023 15:35

Trong tháng 3-2023, các lực lượng chức năng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội  (Ban Chỉ đạo 389/TP)  đã kiểm tra 1.120 vụ; xử lý 983 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ... Khởi tố 13 vụ với 21 đối tượng; thu nộp ngân sách 305,281 tỷ đồng.

Theo Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389/TP Hà Nội, thời gian qua, các đơn vị thành viên đã tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng… vẫn diễn biến phức tạp, nhất là đối với các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chế biến sẵn, hàng gia dụng... trên môi trường thương mại điện tử.

Lực lượng chức năng đã lập biên bản, đưa những người liên quan cùng tổng số 56 bình khí N20 về trụ sở để tiếp tục điều tra làm rõ.

Riêng trong tháng 3-2023, Cục Quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra 124 vụ, xử lý 83 vụ. Xử phạt vi phạm hành chính 1,411 tỷ  đồng. Trị giá hàng vi phạm 1,346 tỷ đồng.

Điển hình, ngày 15-3, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện đối tượng Ong Văn Tuấn (sinh năm 1996 ở thị trấn Neo, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) sử dụng Facebook “Tuấn Versace” cùng số điện thoại đuôi tứ quý 6… rao bán “bóng cười” quanh khu vực Vin OceanPark. Khai nhận với lực lượng chức năng, Ong Văn Tuấn cho biết đã nhập 55 bình khí N20 trôi nổi trên thị trường và cất giấu tại căn hộ trên tầng 24 ở một khu đô thị trên địa bàn xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm.

Bình quân mỗi giao dịch trót lọt, nhóm Ong Văn Tuấn thu lãi không dưới 300.000 đồng/bình. Với các vi phạm trên, Đoàn liên ngành đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ 56 bình khí N20 trên để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Cũng trong tháng 3, Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra cơ sở kinh doanh mỹ phẩm tại địa chỉ số 121 đường K2 tổ 2 Phú Đô, quận Nam Từ Liêm. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ 1.400 chai sữa rửa mặt có nhãn SVR, không có hóa đơn, chứng từ. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm 455 triệu đồng. Lực lượng chức năng đã lập biên bản thu giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa trên.

Trước đó, các Đội Quản lý thị trường số 14 và 20 phối hợp với Công an huyện Phúc Thọ kiểm tra Cơ sở kinh doanh (địa chỉ tại Thôn Yên Đình, xã Xuân Đình, huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại cơ sở kinh doanh có 810 bao loại 50kg/bao, tổng trọng lượng 40,5 tấn hạt đậu tương có dấu hiệu giả nhãn hiệu PHU DAT đang được bảo hộ tại Việt NaLô.

Lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Để tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong tháng 3, Ban Chỉ đạo 389/TP đã chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của cấp trên, phối hợp tốt giữa các lực lượng trên địa bàn thành phố trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các mặt hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm... đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần ổn định thị trường thành phố, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh và người tiêu dùng.

Cùng với đó, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389/TP cũng triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác trọng tâm trong tháng 4-2023.

Theo đó, các đơn vị, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND thành phố về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Các đơn vị làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường; chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp để đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, tạo sự chuyển biến mạnh trong công tác đấu tranh, phòng ngừa các vi phạm gây bất ổn cho thị trường, trong đó tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”.

Đồng thời, các đơn vị tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng chức năng để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng trên địa bàn thành phố.

Lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội giao Cục Quản lý thị trường triển khai thực hiện Kế hoạch số 04/KH-BCĐ389/TP của Ban Chỉ đạo 389/TP ngày 27-2-2023 về tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn năm 2023…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội: Bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.