(HNM) - Những năm gần đây, có rất nhiều bệnh tật được phát hiện, tỷ lệ ung thư tăng, các bệnh liên quan đến đột biến gen xuất hiện nhiều hơn...
Xem xét thấu đáo thì ý thức bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là yếu tố quyết định. Thực tế đa số người dân còn quá dễ dãi với việc ăn uống, cứ ăn hoặc là buộc phải ăn, mà bất chấp tác hại sau đó ra sao. Nói như một nguyên đại biểu Quốc hội thì “con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ ngắn và dễ dàng thế”.
Thực phẩm bẩn tràn lan không phải chính quyền, cơ quan quản lý không biết. Ngược lại, hầu như những người có trách nhiệm đều nắm rõ. Một báo cáo công bố mới đây cho hay, giai đoạn 2011-2016 đã có khoảng 30 nghìn đoàn thanh, kiểm tra trên 3 triệu cơ sở sản xuất, kinh doanh. Sai phạm khá nhiều, nhưng chỉ có chừng 20% bị xử phạt, và tính ra mỗi cơ sở bị phạt không quá 200 nghìn đồng. Có địa phương trong một năm kiểm tra, thanh tra 1.000 cơ sở nhưng chỉ xử phạt được 2 cơ sở.
Xảy ra thực trạng trên cũng chẳng phải vì thiếu các căn cứ pháp lý điều chỉnh. Ngược lại, chúng ta đang có khá đủ công cụ luật pháp. Ở trung ương có ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm, có các bộ chuyên ngành; ở địa phương thì có chính quyền các cấp. Nhưng tiếc là một "hàng rào" khá dày như vậy mà thực phẩm bẩn vẫn lọt lưới. Lỗi tại ai cũng chưa có kết luận. Song vấn đề đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm của cán bộ chuyên môn không phải ngoài lề.
Rõ ràng, chúng ta không thể cứ chấp nhận để tình trạng này kéo dài. Đến lúc phải xác định rõ trách nhiệm đối với từng con người, từng lĩnh vực, mặt hàng. Phải xử lý nghiêm khắc với mọi hành vi vô lương tâm, mức độ nguy hại càng cao thì càng phải xử lý nghiêm để răn đe. Bởi nếu chúng ta không đánh giá, đặt đúng tầm quan trọng của vấn đề, chắc chắn sẽ không thể thay đổi được thực trạng…
Nhân Tháng an toàn thực phẩm năm 2017, chợt nghĩ đến đề thi trung học phổ thông quốc gia năm 2016 nói về câu chuyện “ông trồng chè khoe được uống chè từ khu trồng sạch nhà quây riêng dành cho gia đình, khu còn lại tất nhiên là chè bẩn để bán. Bà bán rau cũng hân hoan nói nhà mình được ăn rau ở khu trồng sạch, khu nhiều thuốc là để bán; cả ông bán thịt lợn cũng vậy… Nhưng rút cuộc họ không thể cả đời chỉ uống chè, ăn rau hay ăn thịt. Họ uống chè sạch nhưng vẫn phải ăn rau bẩn của người khác, ăn rau nhà sạch nhưng vẫn ăn thịt bẩn của kẻ khác”.
Ví dụ nhưng rất đời thường trên là nguyên một vòng luẩn quẩn. Dẫu rằng ai cũng cảm nhận được hiểm họa bệnh tật đe dọa, nhưng lại có rất ít người tự ý thức phải có trách nhiệm. Thế nên, đi liền với việc có lợi nhuận bằng mọi giá là sự xuống cấp về lương tâm, đạo đức, sự nhận thức hẹp hòi, ích kỷ với người khác của một bộ phận người dân, tạo ra những rủi ro rình rập con người, bao gồm cả người sản xuất và gia đình của họ. Một loạt vụ ngộ độc rượu xảy ra gần đây là minh chứng rõ nét.
Trong một cuộc giám sát về an toàn thực phẩm hồi tháng 2-2017 tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, tình trạng mất an toàn thực phẩm đã trở thành vấn đề lớn, nhiều vụ việc gây bức xúc, lo lắng trong xã hội, gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của người dân. Vấn đề là, chỉ bộ chủ quản không thể làm hết được. Trách nhiệm ở đây còn của chính người sản xuất, kinh doanh và cả của người tiêu dùng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.